Có mặt tại hiện trường mới thấy hết những nỗ lực vượt qua muôn trùng khó khăn, chạy đua với thời gian của lực lượng tìm kiếm cứu nạn để sớm đưa các anh trở về.
Vượt 15 cây số hiểm nguy
Quãng đường từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) lên đến hiện trường vụ sạt lở (thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) dài 25 cây số, nhưng từ cách hiện trường khoảng 15 cây số đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sạt lở trên đường. Hàng chục chiếc xe ủi, xe múc luôn túc trực ven đường, sẵn sàng dọn dẹp mỗi khi những đống đất đá, bùn nhão trên núi đổ xuống.
Trong ngày 18/10, toàn bộ phương tiện cơ giới phải dừng lại cách hiện trường khoảng 5 cây số (tại địa phận thôn Choa, xã Hướng Phùng) vì đoạn đường đi tiếp bị sạt lở quá nguy hiểm, chưa thể khắc phục. Lực lượng cứu hộ đầu tiên gồm khoảng 100 người đã tiếp cận điểm đóng quân của Đoàn 337 và nhanh chóng phối hợp triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả. Đoàn cứu hộ thứ hai phải lập Sở Chỉ huy tiền phương ngay tại điểm sạt lở ở thôn Choa và nỗ lực đưa máy móc dọn dẹp, thông đường. Một đoàn xe quân sự, xe cứu thương, xe tải... xếp dài hàng cây số trên cung đường núi quanh co, chờ thông tuyến.
Ngay sáng 18/10, một số thành viên trong đoàn tìm kiếm cứu nạn đi cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã suýt gặp tai nạn, khi nước lũ từ trên núi bất ngờ đổ xuống trong lúc đoàn đang đi bộ qua.
Phóng viên Lê Thị Thanh Thủy (cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Trị) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại: Khi đó, nhóm phóng viên chúng tôi cùng một đoàn công binh, người dân đi bộ lội qua khu vực sạt lở, tôi là nữ nên đi gần cuối đoàn. Bất ngờ một bác người đồng bào Vân Kiều ở sau đập mạnh vào vai tôi, chỉ tay lên phía trên báo hiệu nước xuống. Tôi lập tức hét lên thất thanh "Chạy, chạy nhanh, lũ về!'. Tình hình rất nguy cấp, một số người vùng chạy tới trước, một số người thục mạng quay trở lại. Chỉ vài giây sau, nước lũ đổ xuống ầm ầm như sấm động. Chỉ cần chậm một nhịp, hàng chục người sẽ bị cuốn phăng xuống vực. Rất may, sau đó, mọi người đã liên lạc lại được với nhau và biết rằng tất cả đã an toàn.
Chiều 18/10, Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp có mặt tại thôn Choa, phối hợp với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị điều hành công tác thông đường vào khu vực bị nạn. Nhận thấy địa hình cung đường rất hiểm trở, một bên là những vách núi dựng đứng đang sạt lở, một bên là vực sâu hàng trăm mét, những đoạn đường đã bị sạt gần hết lòng đường, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương nhận định công cuộc cứu hộ còn rất nguy hiểm.
Theo lệnh của Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương, tất cả lực lượng bên ngoài không tiếp tục lội bộ vào trong để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn; đồng thời, huy động tổng lực phương tiện máy móc san ủi, lấp đá, mở đường cho các phương tiện cơ giới vào cứu hộ, cứu nạn và đưa các nạn nhân ra ngoài.
Trong đêm 18/10, ánh đèn pha sáng rực cả góc núi rừng xã Hướng Phùng, lực lượng công binh phối hợp với các đơn vị sửa chữa đường bộ, các đơn vị máy xúc, máy ủi hoạt động hết công suất để mở đường. Bùn nhão được xúc ủi đến đâu, xe tải đổ đá hộc đến đó, cơn mưa rả rích suốt đêm lạnh khiến công việc càng thêm khó khăn, vất vả. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả và nỗ lực của từng cá nhân, đơn vị thi công, đến mờ sáng 19/10, những chuyến xe cứu thương đầu tiên đã vượt qua được hàng chục điểm sạt lở để tiến vào hiện trường.
Tình quân - dân còn mãi
Điểm đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nằm trong giữa vùng thung lũng, sát bên thôn Cợp (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Từ rạng sáng 18/10, khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại đơn vị này, không khí tang thương, nặng nề, lo âu đã bao trùm lên toàn thôn.
Theo quan sát, điểm sạt lở bắt đầu từ ngọn núi phía sau khu nhà của đơn vị, đỉnh của vụ sạt lở cao tới hàng nghìn mét. Khối lượng lớn bùn đất từ đỉnh núi đã sạt xuống, vùi lấp một phần khu doanh trại của Đoàn 337 và tràn xuống phủ một diện tích lớn trên ruộng của người dân. Trong khu vực tìm kiếm cứu nạn, những chiếc máy xúc nỗ lực đào xới lớp đất bùn sâu cả mét. Công việc tìm kiếm được tổ chức khẩn trương nhưng vô cùng cẩn thận, để không làm tổn hại đến các nạn nhân phía dưới.
Bất chấp những cơn mưa lớn, công tác tìm kiếm cứu nạn trong hiện trường được tiến hành gấp rút trong hai ngày 18 và 19/10. Máy xúc chỉ tạm nghỉ vào đêm 18, do thiếu các phương tiện chiếu sáng nhưng lực lượng tại chỗ vẫn trực chiến và bàn bạc phương án xuyên đêm.
Tuy không thể vào trong khu vực sạt lở để tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, nhưng người dân thôn Cợp luôn dõi theo và lo lắng cho các chiến sỹ, cán bộ nơi đây. Bà con đã chủ động gom góp từng con cá, củ măng để nấu cơm hỗ trợ cho lực lượng cứu hộ, mong sớm tìm thấy và đưa các chiến sỹ về nơi yên nghỉ. Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân thôn Cợp chia sẻ: “Gia đình tôi ở đây đã 20 năm qua. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố mưa lũ, sạt lở lớn như thế này. Nhìn khu vực Đoàn 337 bị vùi lấp, ai cũng cảm thấy tang thương, đau xót. Các chiến sỹ ở đây phần lớn còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi”.
Nhiều diện tích ruộng, rẫy của các hộ dân trong thôn Cợp đã bị vùi lấp sau vụ sạt lở nhưng tâm trí họ hiện giờ chỉ hướng về các chiến sỹ. Bà Nguyễn Thị Cúc, một người dân tại thôn Cợp xúc động: “Ngày thường có việc gì nặng nhọc, người dân cũng nhờ bộ đội giúp, có đồ gì ngon lại đem cho bộ đội. Chúng tôi coi các chiến sỹ như con em trong nhà, vậy mà chỉ trong phút chốc các chiến sỹ đã ra đi không trở lại. Tài sản, ruộng đồng của mình còn làm lại được, tính mạng các chiến sỹ mới là điều khiến chúng tôi thương tiếc.”
Theo lời kể của người dân thôn Cợp, ngay rạng sáng 18/10, khi nghe tiếng nổ lớn và đỉnh núi bị sạt lở, thanh niên thôn đã tập trung sẵn sàng hỗ trợ các chiến sỹ Đoàn 337. Nhưng ngay sau đó, đất đá tiếp tục sạt lở rất nguy hiểm, toàn bộ người dân được lệnh ở ngoài khu vực an toàn, chỉ các chiến sỹ và máy móc thiết bị mới triển khai công tác tìm kiếm bên trong. Đến hôm sau, các hộ dân lân cận được thông báo đề cao cảnh giác và sẵn sàng sơ tán bất cứ lúc nào, vì khu vực sạt lở vẫn còn những vết nứt lớn bên trên, có thể tiếp tục đổ xuống.
Chiều 19/10, khi tuyến đường bên ngoài được thông suốt và các xe cứu thương khẩn trương vào hiện trường chở thi thể các chiến sỹ ra, cũng là lúc công tác tìm kiếm được khẩn trương đẩy mạnh. Nỗi lo tăng lên khi một phần bùn đất trôi theo nước mưa, chảy xuống suối và nếu để đến khi trời tối, công tác tìm kiếm sẽ phải tiếp tục ngừng do thiếu ánh sáng.
Bằng tất cả nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, huy động tất cả lực lượng có thể, vượt qua khó khăn, nguy hiểm, toàn bộ thi thể 22 chiến sỹ gặp nạn đã được đưa về bên gia đình, đồng đội. Dự kiến Lễ viếng và Lễ truy điệu các liệt sỹ sẽ được tổ chức tập trung theo nghi thức quân đội, tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị trong sáng 22/10, do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chủ trì. Các anh đã ra đi nhưng những kỷ niệm, tình quân dân gắn bó bao năm qua vẫn còn mãi trong trái tim những người ở lại.