Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ, từ ngày 20/10 đến ngày 21/10, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Trong ngày và đêm 20/10, Nam Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 80 mm.
Từ ngày 20/10 đến ngày 21/10, các tỉnh Bình Định và Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở cấp 1.
Từ 1 giờ đến 8 giờ ngày 20/10, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to như tại: Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lượng mưa là 107 mm, Lệ Thủy (Quảng Bình) lượng mưa là 106,8 mm, Vĩnh Linh (Quảng Trị) lượng mưa từ 131,8 mm đến 163,8 mm , ...
Dự báo, đến 14 giờ ngày 20/10, lượng mưa tại Quảng Bình, Quảng Nam phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Lượng mưa tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi phổ biến từ 40-70mm, có nơi trên 100 mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Đồng Hới, các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình); thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị); thành phố Huế, thị xã Hương Trà, các huyện Quảng Điền, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Do mưa lớn kéo dài, mực nước trên sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) có sự dao động. Nước sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình), đang xuống.
Mực nước lúc 7 giờ ngày 20/10 trên các sông như sau: trên sông Ngàn Sâu tại điểm đo Hòa Duyệt (Hà Tĩnh) là 9,35 m, trên báo động 2 là 0,35 m; trên sông Gianh tại điểm đo Mai Hóa (Quảng Bình) là 5,82 m, dưới báo động 3 0,68 m; trên sông Kiến Giang tại điểm đo Lệ Thủy (Quảng Bình) là 4,35 m, trên báo động 3 là 1,65 m; trên sông Bồ tại điểm đo Phú Ốc là 3,49 m, trên báo động 2 là 0,49m; trên sông Hương tại điểm đo Kim Long (Thừa Thiên - Huế) là 1,92m, dưới báo động 2 là 0,08m.
Dự báo, trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) dao động ở mức cao, trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình) xuống dần. Nước trên sông Hương, sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) biến đổi chậm. Đến chiều ngày 20/10, mực nước trên các sông có khả năng như sau: trên sông Ngàn Sâu tại điểm đo Hòa Duyệt xuống mức 9 m, ở mức báo động 2; trên sông Gianh tại điểm đo Mai Hóa xuống mức 4,8m, dưới báo động 2 là 0,2 m; trên sông Kiến Giang tại điểm đo Lệ Thủy dao động ở mức 4,3 m, trên báo động 3 là 1,6m; trên sông Bồ tại điểm đo Phú Ốc dao động ở mức 3,5 m, trên báo động 2 là 0,5m; trên sông Hương tại điểm đo Kim Long dao động 2,0m, ở mức báo động 2.
Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đặc biệt tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch (Quảng Bình); Đăkrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc biệt là tại các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh); Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn ở mức cao trong ngày 20/10. Nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp là cấp 3.
Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin về tình hình mưa lớn, gió mạnh; chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Các ngư dân nuôi trồng thủy hải sản trên lồng bè và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền cần chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Đồng thời, chính quyền, lực lượng chức năng và người dân cần sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán, di dời khỏi các khu vực có nguy cơ cao; không lội qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết...