Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa có Báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) báo cáo kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Các sản phẩm lụa của Khaisilk. Ảnh: Facebook doanh nghiệp |
Theo báo cáo, cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể số 01c8003643 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất (?).
Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China, sau đó khâu nhãn Khaisilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác định, làm rõ vi phạm.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức trưa 29/10, ông Trần Hùng tỏ ra hoài nghi về kết quả này. Ông Hùng đặt câu hỏi liệu Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Tại sao không kiểm tra đồng loạt tất cả các điểm bán hàng Khaisilk ở các khách sạn mà chỉ kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai rồi thu giữ mấy chục chiếc khăn? Hơn nữa lại không muốn mời báo chí cùng tham gia đoàn kiểm tra?
Ông Trần Hùng mới chuyển công tác từ Ban chỉ đạo Quốc gia 389 về Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm minh vụ việc này.
"Dư luận có quyền nghi vấn liệu có sự mập mờ, bao che bởi nhiều năm không phát hiện sai phạm, chỉ đến khi khách hàng phát hiện và đưa lên Facebook. Bộ trưởng đã rất quyết liệt chỉ đạo thì các cấp thực thi bên dưới cũng phải quyết liệt", ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến diễn biến vụ việc Khaisilk, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, doanh nghiệp đã có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm.
Đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt.
Bộ trưởng cho biết, các cơ quan thuộc Bộ đang tiếp tục xác minh, làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp.