Vinh danh học sinh giỏi dân tộc thiểu số

Vào ngày 16/11 tới đây, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Ủy ban Dân tộc và Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức “Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2013”. Bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giàng Seo Phử (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về sự kiện ý nghĩa này.

 

Thưa Bộ trưởng, đây là năm thứ tư Ủy ban Dân tộc vinh danh những thủ khoa, học sinh có thành tích xuất sắc là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng có ghi nhận gì về thành tích của các em?

 

Chúng ta đã có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong đánh giá về phát triển nguồn nhân lực của chúng ta, ngoài những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, hay nói cách khác là sự phát triển không đồng đều. Đặc biệt là nguồn nhân lực của chúng ta đang ở mức độ thấp, chưa ngang tầm. Những hạn chế đó đều rơi vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn miền núi.

 

Với các sinh viên là người dân tộc thiểu số, việc được nhận phần thưởng vì thành tích học tập là nguồn động viên to lớn.Lê Phú


Chính vì vậy mà lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sau khi đánh giá tình hình chung đã đi đến thống nhất cần tập trung vào vấn đề con người. Đầu tư cho con người là đầu tư về trí tuệ và kiến thức. Chính vì vậy Ủy ban Dân tộc chọn trước mắt trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chưa có điều kiện để làm tất cả thì chúng ta tôn vinh, vinh danh, khuyến khích, động viên các cháu là người dân tộc thiểu số của tất cả cộng đồng 53 dân tộc. Các cháu có điều kiện học tập tốt đỗ thủ khoa, có thành tích học tập giỏi thì Ủy ban Dân tộc có phần thưởng để động viên khuyến khích. Dù số em học sinh đạt thành tích cao chưa nhiều, mới đầu chỉ là vài chục đến vài trăm em, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ phát triển nhiều hơn nữa.


Thành tích cao của các em bây giờ mới xuất hiện ở vài dân tộc, một số dân tộc có tỷ lệ đông các em đạt học sinh giỏi, dần dần sẽ phát triển đồng đều ở cả 53 dân tộc thiểu số. Như vậy, chỉ cần mỗi dân tộc vài chục em có trình độ tốt, học giỏi thì đó cũng là thành tích hết sức to lớn. Sau khi các em tốt nghiệp ra trường, khi về cơ sở có điều kiện để cống hiến, công tác sẽ phát huy được kiến thức đã được trang bị.

 

Thông qua cuộc gặp gỡ trao thưởng này, Ủy ban Dân tộc có gửi gắm thông điệp gì?

 

Tôi nghĩ rằng đây là việc làm hết sức có ý nghĩa. Trách nhiệm học tập là của công dân, nhưng đối với vùng đồng bào dân tộc, tôi xin có ý kiến thế này: Bây giờ chúng ta đang có số lượng ít, số người đạt được thành tích cao vẫn còn khiêm tốn, chưa tăng về số lượng và đặc biệt là chất lượng cao lại càng hiếm hoi. Cho nên tôi mong muốn với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và đặc biệt là bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành làm công tác dân tộc và các ngành khác nữa cần quan tâm đầu tư về chính sách, ngân sách cố gắng có sự hỗ trợ để chúng ta dần dần phát triển được đội ngũ con em các dân tộc và bản thân đồng bào các dân tộc cũng tự vươn lên. Các cháu cũng tự vươn lên để đáp ứng được trình độ chung, có kiến thức tốt để cống hiến lâu dài cho đất nước.

 

Thưa Bộ trưởng, trong những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc, kết quả cũng đã có nhưng còn những bất cập gì?

 

Chủ trương thì nhà nước đã có rồi, nhưng cách làm của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có chương trình riêng trong vấn đề đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc. Về việc này, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác có chức năng về vấn đề đó sớm nghiên cứu và đề xuất cần phải có một trường nghề, hay chương trình đào tạo dành riêng cho con em đồng bào dân tộc. Để từ đó chúng ta nhanh chóng giúp các em vừa có kiến thức nhưng cũng có một cái nghề trong quá trình, phân công lại lao động xã hội. Sau khi các cháu đã có cái nghề, có thu nhập và chính việc có thu nhập thì mới có thể phát triển bản thân, giúp đỡ gia đình và quê hương.

 

Bộ trưởng có ghi nhận và đánh giá gì về vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí tham gia Chương trình 2472 ủng hộ và tài trợ học bổng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí. Bây giờ vấn đề xã hội hóa là rất quan trọng. Báo chí cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; đặc biệt là ở những vùng mà xưa nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, làm chưa được nhiều.


Tôi mong muốn, với sự giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí chúng ta sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn, đặc biệt là những tấm gương tốt, việc tốt để chúng ta có điều kiện nhân rộng những điển hình tiên tiến.

 

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN