Ngày 20/5, tại thủ đô Pretoria, đoàn công tác liên ngành về bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Môi trường và các cơ quan chức năng liên quan của Nam Phi nhằm đánh giá kết quả hợp tác hai nước thời gian gần đây trong lĩnh vực bảo tồn.
Đại sứ Lê Huy Hoàng và đoàn Việt Nam làm việc với Bộ Môi trường và các cơ quan chức năng của Nam Phi. Ảnh: Minh Đức - P/v TTXVN tại Nam Phi. |
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tham gia buổi làm việc, Đại sứ nước ta tại Nam Phi Lê Huy Hoàng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Nam Phi và các quốc gia khác về bảo tồn đa dạng sinh học, trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp hành động và hợp tác triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực này.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã nêu bật quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc phối hợp với các nước nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã, thông qua việc ban hành những quy định mới và sửa đổi các bộ luật trong lĩnh vực này, phát động các chiến dịch nhằm nâng cao ý thức của người dân về trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học. Theo kết quả khảo sát gần đây, sau một năm phát động chiến dịch tuyên truyền, số người tin vào tác dụng thần kỳ của sừng tê giác đã giảm 60% và số người mua sừng tê giác giảm 77%.
Đoàn Việt Nam bàn giao các mẫu vật từ sừng tê giác bị bắt giữ tại Việt Nam cho phía Nam Phi để phân tích ADN. Ảnh: Minh Đức - P/v TTXVN tại Nam Phi. |
Bà Skumsa Mancotywa, quyền Vụ trưởng về Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường Nam Phi, đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả trên nhiều mặt giữa Nam Phi và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học mà hai bên cùng quan tâm. Chính phủ hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ và Kế hoạch hành động, tạo cơ sở cho việc hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực này. Phía Nam Phi đánh giá cao việc Việt Nam triển khai những biện pháp nghiêm ngặt trong quá trình thực thi pháp luật, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục người dân từ bỏ nhận thức sai lệch về công dụng của sừng tê giác trong khả năng chữa trị các căn bệnh nan y; hoan nghênh Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về chống buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã vào cuối 2016, đồng thời mời Việt Nam cử đoàn sinh viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên về bảo tồn tê giác, sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào cuối tháng 6/2015.
Hai bên đã trao đổi về các biện pháp tiếp cận tổng hợp nhằm xử lý tổng thể vấn đề bảo tồn gắn với phát triển và những biện pháp hợp tác cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Để thể hiện thiện chí, trách nhiệm hợp tác của phía Việt Nam, tại cuộc buổi làm việc, ông Đỗ Quang Tùng cũng đã chuyển giao cho các cơ quan chức năng của Nam Phi 14 mẫu phẩm từ số sừng tê giác tịch thu được để phân tích ADN theo quy định của Công ước CITES.
Trước khi tới Nam Phi, đoàn Việt Nam cũng đã tới thăm làm việc tại Kenya, Tanzania và Mozambique nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học với các cơ quan chức năng của các nước này.
TTXVN/Tin tức