Việt Nam và Trung Quốc phối hợp tập huấn về chè cổ thụ

Ngày 26/9, lễ khai giảng Khóa tập huấn về ngành chè cổ thụ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh miền Bắc (Việt Nam) do Sở Nông nghiệp Nông thôn, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc đồng chủ trì đã diễn ra tại Côn Minh.

Chú thích ảnh
Các đồng chí Lãnh đạo tham dự Lễ khai giảng và phát biểu tại các điểm cầu Côn Minh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Lai Châu. Ảnh: TLSQ Việt Nam tại Côn Minh 

Đây là hoạt động cụ thể đầu tiên của Tổng Lãnh sự quán thực hiện kết quả Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước ngày 19/9/2022.

Tham dự lễ khai giảng về phía Việt Nam có Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Nguyễn Trung Hiếu; Cục trưởng cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Quốc Toản; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Tống Văn Dương; Tổng Giám đốc Việt Nam Tập đoàn Sunwah Hong Kong Jesse Choi (Thái Trác Tư); Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam, cùng 308 học viên là Lãnh đạo quản lý, chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp và các hiệp hội, doanh nghiệp chè đến từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc,12 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hòa Bình.

Về phía tỉnh Vân Nam có Tuần thị viên cấp 1, Sở Nông nghiệp Nông thôn Trương Mục; Trưởng phòng Đông Nam Á, Sở Ngoại vụ Trần Vinh Kiệt; Lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam, Cục Nông nghiệp nông thôn châu Tây Song Bản Nạp; Hội trưởng Hiệp hội chè Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam cùng gần 100 học viên là cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp chè đến từ các châu Hồng Hà, châu Văn Sơn và thành phố Phổ Nhĩ, Trung Quốc giáp Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu phát biểu tại Lễ khai giảng Khóa tập huấn về ngành công nghiệp chè cổ thụ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh miền Bắc (Việt Nam).

Phát biểu tại lễ khai giảng, Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ cảm ơn Sở Nông nghiệp Nông thôn và Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam đã phối hợp tổ chức Khóa tập huấn về ngành công nghiệp chè cổ thụ; trân trọng cám ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 12 UBND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và Tập đoàn Sunwah Hong Kong; nhấn mạnh việc hơn 300 học viên Việt Nam và gần 100 học viên Trung Quốc đăng ký tham dự Khóa tập huấn là khóa học trực tuyến có số lượng học viên đông nhất của cả hai nước tham gia kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra đến nay, thể hiện sức hấp dẫn, thu hút từ mô hình đào tạo kết hợp giao lưu và hợp tác thực chất của Khóa tập huấn mà Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh và Sở Nông nghiệp Nông thôn, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam đã liên tục tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong nhiều tháng qua, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân làm chè cổ thụ, hỗ trợ phục hồi kinh tế của cả hai nước.

Đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bày tỏ hoan nghênh ý tưởng và đánh giá cao việc tổ chức Khóa tập huấn hết sức có ý nghĩa này; nhấn mạnh những năm gần đây, ngành sản xuất chè của Việt Nam phát triển nhanh chóng, hiện đã trở thành quốc gia sản xuất chè đứng thứ 7 và xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu đi khoảng 100 quốc gia, tuy nhiên, giá trị của sản phẩm đem lại vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có, vì vậy cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đặc biệt cần quan tâm bảo tồn, phát triển cây chè cổ thụ, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; hy vọng khóa tập huấn diễn ra trong 3 ngày này sẽ là tiền đề giúp phát triển chè cổ thụ Việt Nam, lấy sản phẩm chè Phổ Nhĩ làm ví dụ ban đầu để từ đó thúc đẩy, tạo động lực để phát triển chè cổ thụ nói riêng và ngành chè nói chung giữa hai nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chú thích ảnh
400 học viên hai nước Việt Nam – Trung Quốc tham dự Khóa tập huấn về ngành công nghiệp chè cổ thụ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh miền Bắc (Việt Nam).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Tống Văn Dương, Tuần thị viên cấp 1 Sở Nông nghiệp Nông thôn tỉnh Vân Nam Trương Mục và Trưởng phòng Đông Nam Á, Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam Trần Vinh Kiệt đều bày tỏ đây là hoạt động thiết thực và là thành quả mới triển khai nội dung Biên bản của Hội nghị giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) và giữa Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Sở Nông nghiệp và Nông thôn Vân Nam (Trung Quốc) đầu năm nay.

Tuần thị viên cấp 1 Sở Nông nghiệp Nông thôn tỉnh Vân Nam Trương Mục nhấn mạnh tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là nơi khởi phát và là khu vực có diện tích chè cổ lớn nhất thế giới. Căn cứ vào đặc điểm và nhu cầu đào tạo của ngành nông nghiệp Việt Nam, Khóa tập huấn lần này sẽ triển khai giảng dạy và giới thiệu toàn bộ ngành công nghiệp chè cổ thụ từ khâu bảo vệ tài nguyên chè, khai thác bền vững, kỹ thuật ươm giống và trồng trọt, kỹ thuật gia công và bảo quản, làm thị trường ngành chè cổ..., đồng thời còn tổ chức riêng buổi kết nối doanh nghiệp chè cổ hai nước Trung – Việt. Hy vọng với 400 học viên đến từ 12 tỉnh phía Bắc Việt Nam và 3 châu/thành phố tỉnh Vân Nam, Khóa Tập huấn sẽ tiếp thêm nội hàm và động lực mới cho sự hợp tác nông nghiệp giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Ông Tống Văn Dương cho biết chè cổ thụ Lai Châu sinh trưởng trong rừng tự nhiên, có tuổi đời hàng nghìn nằm phân bố tại các vùng núi cao trên 1500m tập trung tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè với số lượng trên 16.000 cây phân tán trên hàng trăm ha đất rừng tự nhiên. Chè cổ thụ Lai Châu có hương vị thuần khiết, độc đáo, khác biệt so với các loại chè cổ thụ khác. Tuy nhiên, kỹ thuật thu hái, khai thác, chế biến chè cổ thụ của các tỉnh phía bắc Việt Nam nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng còn chưa đáp ứng được quy trình, công nghệ chế biến tiên tiến chưa phát huy được giá trị vốn có, chè cổ thụ vẫn còn rất nhiều tiềm năng, giá trị chưa được khai thác triệt để. Mong muốn được tìm hiểu, tiếp thu kinh nghiệm của từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu bên phía tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Hồng cùng Hội trưởng Hiệp hội chè Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam Đổng Thắng ký kết Bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác giữa hai hiệp hội.

Tổng Giám đốc Việt Nam Tập đoàn Sunwah Hong Kong Jesse Choi khẳng định là Tập đoàn đa quốc gia có nhiều dự án đầu tư cả ở Việt Nam và Vân Nam, Tập đoàn luôn tích cực hỗ trợ cho việc hợp tác và giao lưu trong khu vực, nhất là hợp tác Việt – Trung; bày tỏ vui mừng Khóa tập huấn lần này sẽ là chương mới trong hợp tác sản nghiệp chè cổ thụ giữa các tỉnh phía Bắc Việt Nam và tỉnh Vân Nam; cho biết chuyên gia cao cấp trong công ty con của Tập đoàn là Tân Hoa Quốc Chè sẽ tham gia vào công tác giảng dạy tại Khóa Tập huấn; sắp tới Tập đoàn Sunwah Hong Kong sẽ tiếp tục tham gia đóng góp cho việc xây dựng tình hữu nghị Việt – Trung cũng như sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Vân Nam.

Qua sự thúc đẩy của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội chè Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác giữa hai hiệp hội nhằm cùng nhau phát triển kỹ thuật, xây dựng diễn đàn trao đổi hợp tác, giao dịch chè và hỗ trợ giải quyết tranh chấp cho ngành công nghiệp chè cổ thụ giữa doanh nghiệp hai bên.

Chú thích ảnh
Bánh trà hữu nghị Việt-Trung đầu tiên làm từ nguyên liệu chè cổ của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Theo đề nghị và giới thiệu của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Công ty Tân Hoa Quốc Chè thuộc Tập đoàn Sunwah Hồng Công và Công ty chè Shanam Việt Nam đã hợp tác sản xuất “Bánh chè hữu nghị Việt-Trung” đầu tiên với ý nghĩa “núi sông liền một dải, mối tình sâu đậm Việt Nam – Trung Quốc” làm từ nguyên liệu chè cổ của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhằm ghi nhớ sự khởi đầu hợp tác chính thức giữa ngành công nghiệp chè cổ thụ hai bên.

Tiến Trung (P/v TTXVN tại Trung Quốc)
Lạ mắt với ngôi nhà làm từ 2 tấn chè Shan tuyết cổ thụ tại Hà Giang
Lạ mắt với ngôi nhà làm từ 2 tấn chè Shan tuyết cổ thụ tại Hà Giang

Đến với Hà Giang, du khách sẽ khá ngạc nhiên, lạ mắt khi đến với ngôi nhà làm từ 2 tấn chè Shan tuyết cổ thụ của gia đình chị Pham Thị Minh Hải, tại homestay Maison Teahouse Bungalow. Đây đang là điểm du lịch thu hút nhiều du khách ghé qua khi đến với Hà Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN