Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tham dự phiên thảo luận, Đại diện cao cấp về việc thực hiện Hiệp định hòa bình về Bosnia và Herzegovina Valentin Inzko đã trình bày báo cáo giai đoạn 16/10/2020-15/4/2021. Trong đó, tình hình Bosnia và Herzegovina được đánh giá có những bước tiến như việc tổ chức bầu cử địa phương tháng 11/2020, bầu cử ở thành phố Mostar sau 12 năm, tuy nhiên nền hòa bình và an ninh tại đất nước này còn gặp nhiều thách thức. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 càng làm gia tăng thách thức và bộc lộ sự yếu kém của hệ thống chính trị.
Ông Inzko cho rằng Bosnia và Herzegovina cần tiếp tục nỗ lực cải cách, nâng cao đời sống của người dân, tránh các phát ngôn hận thù, phát biểu gây chia rẽ và chống vinh danh tội phạm chiến tranh và hướng tới một quốc gia thống nhất. Ông Inzko cũng cho biết sẽ sớm kết thúc nhiệm kỳ Đại diện cấp cao sau 12 năm đảm nhiệm vị trí này.
Các nước thành viên LHQ một mặt ghi nhận một số diễn biến tích cực tại Bosnia và Herzegovina trong thời gian gần đây, nhưng cũng cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các biện pháp cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, tránh các phát ngôn, chính sách gây căng thẳng, hướng tới ổn định và hòa bình. Nhiều ý kiến hoan nghênh vai trò của Đại diện cao cấp và Văn phòng Đại diện cao cấp trong thời gian qua, bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với đất nước, người dân Bosnia và Herzegovina. Bên cạnh đó, một số nước nhận định quốc gia này cần tiếp tục nỗ lực cải cách, thúc đẩy pháp quyền, thực hiện Hiệp định hòa bình Dayton, tổ chức bầu cử và bổ nhiệm các vị trí điều hành còn trống, tìm kiếm cách tiếp cận thống nhất trong ứng khó với dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã ghi nhận những diễn biến tích cực tại Bosnia và Herzegovina trong giai đoạn báo cáo, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình nội bộ Bosnia và Herzegovina tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, gây ảnh hưởng tới nỗ lực triển khai đầy đủ Hiệp định hòa bình Dayton.
Đại sứ cũng nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại một cách bền vững giữa các bên liên quan, tăng cường hợp tác hướng tới ổn định tình hình chính trị-xã hội, thực hiện cải cách và phát triển kinh tế nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của người dân và đặt lợi ích của người dân ở trung tâm của mọi nỗ lực. Đại sứ nhận định trách nhiệm hàng đầu thuộc về Bosnia và Herzegovina, các cộng đồng liên quan và người dân. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nỗ lực này, trong đó các nỗ lực trung gian hòa giải cần thúc đẩy các bên xích lại gần nhau hơn, hướng đến tương lai hòa bình, phát triển.