Nhân dịp chuẩn bị khai trương Tuần lễ văn hoá Việt Nam tại Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại LB Nga Phạm Xuân Sơn đã có bài trả lời phỏng vấn tờ “gazeta.ru” về quan hệ Việt-Nga, lập trường của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông và vai trò, vị thế của Nga đối với khu vực châu Á-TBD.
Tin Tức trích giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn:
PV: Thưa đại sứ Phạm Xuân Sơn, tiến trình đàm phán thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh hải quan (LMHQ) và Liên minh kinh tế Âu-Á đã đạt được những kết quả nào?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Tiến trình đàm phán thành lập FTA giữa Việt Nam và LMHQ trong 2 năm trở lại đây đã diễn ra rất thành công và tích cực. Sau đây ít hôm nữa tại Sochi sẽ diễn ra vòng đàm phán thứ 6 về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015 có thể ký kết hiệp định quan trọng này.
Việc thành lập FTA sẽ củng cố mối quan hệ giữa hai bên và thúc đẩy việc phát triển không chỉ các mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga, mà còn với các thành viên khác thuộc LMHQ. Trong đó, lợi ích quan trọng đối với Việt Nam là mở rộng khả năng tiếp cận thị trường các nước thuộc LMHQ và thu hút nhiều hơn nữa các luồng đầu tư, công nghệ và du lịch từ Nga và các nước thành viên LMHQ vào Việt Nam. Mặt khác, Nga và các nước thành viên LMHQ cũng có thể tăng xuất khẩu hàng hoá, đầu tư vào Việt Nam, thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân. Ngoài ra, Việt Nam còn mở ra cánh cửa để Nga thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN và đặt cơ sở cho việc tiếp tục thành lập FTA giữa LMHQ với ASEAN trong tương lai.
PV: Hiện trạng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và LB Nga như thế nào?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Trong những năm qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển năng động với việc kim ngạch thương mại song phương tăng từ 2 tỷ USD năm 2011 lên gần 4 tỷ USD năm 2013. Mặc dù khối lượng đầu tư song phương hiện còn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ chính trị, song cũng đang cho thấy những chuyển biến tích cực. Hiện nay vấn đề nâng cao mức độ hợp tác đang được các cấp lãnh đạo cấp cao quan tâm. Uỷ ban liên chính phủ và các bộ ngành liên quan dưới sự chỉ đạo của hai Phó Thủ tướng hai nước cũng đã tích cực làm việc trong nhiều năm qua.
PV: Vậy theo ông lĩnh vực nào có thể đạt được đột phá?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Việt Nam rất quan tâm đến các loại công nghệ, nguồn đầu tư, nguồn nhập khẩu nguyên nhiên liệu và các sản phẩm chế tạo máy của Nga. Ngược lại, Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp các loại mặt hàng tiêu dùng, dệt may, nông sản. Chúng ta cũng có tiềm năng to lớn để nâng cao hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khai thác mỏ. Ở đây không chỉ có các dự án khai thác dầu khí liên doanh ở hai nước, mà còn một loạt các lĩnh vực quan trọng khác như xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, khai thác và chế biến quặng ở Việt Nam…
Chúng tôi cũng quan tâm đến việc thành lập các liên doanh sản xuất máy bay trực thăng, đóng tàu. Chính phủ hai nước hàng năm đều xác định danh mục các dự án ưu tiên và thúc đẩy thực hiện.
PV: Như chúng ta đã biết, hoạt động đầu tư của Nga vào Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các công ty nhà nước, vậy theo ông đâu là nguyên nhân và làm thế nào để thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Tôi cho rằng thiếu thông tin là một trong những nguyên nhân khiến hợp tác đầu tư còn khiêm tốn, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực. Hiện nay nhiều công ty Nga đã làm ăn ở Việt Nam và họ đến không chỉ để khai thác các nguồn khoáng sản, mà còn thực hiện các dự án mới trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như ngân hàng, luyện kim, chế tạo máy bay và viễn thông. Tôi cho rằng chúng ta cần cung cấp nhiều thông tin hơn nữa và quảng bá cơ hội đến các nhà đầu tư. Chúng tôi có mạng lưới thông tin, kể cả ở cấp chính phủ để giới thiệu các dự án hiện có và thường xuyên tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, triển lãm… mặc dù thông tin bằng tiếng Nga vẫn còn hạn chế.
PV: Theo ông điều gì khiến hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Việt Nam và Nga đặc biệt hiệu quả?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Hợp tác kỹ thuật-quân sự là nội dung quan trọng trong hợp tác toàn diện Việt-Nga. Nếu tôi không nhầm thì có đến 95% vũ khí của Việt Nam là mua của Nga. Nga là người bạn lâu đời và đã được thử thách của Việt nam. Vũ khí của Nga đã quen thuộc với quân đội Việt Nam từ thời còn chiến tranh giải phóng dân tộc và có độ tin cậy cao.
Việc Việt Nam hiện đại hoá hải quân không có gì bất thường vì Việt Nam là quốc gia ven biển với khoảng một nửa GDP của đất nước liên quan đến biển. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ trương “3 không” trong chiến lược quốc phòng, gồm không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không tham gia liên minh quân sự với các quốc gia khác và không sử dụng quan hệ với một quốc gia để chống quốc gia thứ ba. Ngoài ra, việc Việt Nam hiện đại hoá hải quân còn góp phần gìn giữ hoà bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực, nơi có những huyết mạch giao thông đường biển quốc tế đi qua. Việc làm của Việt Nam có tính chất rõ ràng và chỉ nhằm mục đích tự vệ chính đáng.
PV: Theo ông, sau 13 năm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược chúng ta đã đạt được những kết quả nào?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: việc nâng tầm quan hệ lên cấp đối tác chiến lược vào năm 2001 đã đặt cơ sở chính trị quan trọng để củng cố và phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và LB Nga. Thứ nhất, quan hệ chính trị ngày càng trở nên tin cậy, các hoạt động trao đổi đoàn, trong đó có đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên. Thứ hai, quan hệ kinh tế phát triển năng động với kim ngạch thương mại song phương tăng 8 lần, từ mức 500 triệu USD năm 2001 lên gần 4 tỷ USD vào năm 2013. Hợp tác trong các lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, khoa học, du lịch cũng phát triển hết sức thành công. Hiện nay có khoảng 7 nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập trong các trường đại học ở Nga.
Về lĩnh vực du lịch, trong 3 năm qua lượng khách Nga đã tăng từ khoảng 100 nghìn lên gần 300 nghìn vào năm 2013 và còn tiếp tục tăng.
PV: Ông đánh giá thế nào về cuộc khủng hoảng ở Ukraine?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Ukraine là đối tác truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn hoà bình và hoà giải dân tộc ở Ukraine. Chúng tôi đã trải qua nhiều năm chiến tranh nên hiểu rất rõ hậu quả mà nó mang lại. Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết hoà bình bất cứ vấn đề nào liên quan đến Ukraine, kể cả trong nội bộ lẫn ở bên ngoài, ủng hộ việc tuân thủ các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có quyền nhân đạo.
PV: Trong bối cảnh các sự kiện gần đây ở Biển Đông xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam dự định có những biện pháp nào để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Mặc dù Việt Nam đã thể hiện thiện chí và mong muốn đàm phán song Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường đưa tàu chiến, máy bay ra khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Hành động của Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cũng như vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước hết đây là sự vi phạm Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử chứng minh quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam ngay từ thế kỷ thứ 17. Chúng tôi có sự quản lý thường xuyên và liên tục đối với quần đảo này.
Việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Trước đó Trung Quốc không ít lần thừa nhận rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và các bên cần giải quyết thông qua hoà đàm. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình là người đã xác nhận vấn đề này vào năm 1975.
Việt Nam có thừa ý chí để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chúng tôi cho rằng bất cứ bất đồng nào cũng cần được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng đang nhận được sự ủng hộ to lớn từ dư luận xã hội và người dân Nga.
PV: Vậy theo ông, Nga cần đóng vai trò như thế nào trong xung đột lãnh thổ hiện nay ở Biển Đông?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Việt Nam đánh giá cao lập trường của Nga liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nói chung, ở quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Theo đó, mọi tranh chấp phải được giải quyết duy nhất bằng biện pháp hoà bình.
Ở đây có một số vấn đề. Thứ nhất, tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt nam và Trung Quốc và cần giải quyết trên cơ sở song phương. Thứ hai, tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa là tranh chấp giữa giữa 5 quốc gia nên cần được giải quyết với sự tham gia của Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Và cuối cùng là vấn đề hoà bình, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông. Vấn đề này liên quan đến tất cả các quốc gia, trước hết là các quốc gia ven biển, cũng như các cường quốc khác ngoài khu vực như Nga, Mỹ, Ấn Độ.
Liên quan đến vấn đề này, Việt Nam ủng hộ sự gia tăng ảnh hưởng và vị thế của Nga ở châu Á-TBD, cho rằng điều này sẽ giúp củng cố hoà bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
PV: Xin hỏi ông câu cuối cùng, lãnh đạo Việt Nam có mong muốn tiếp tục hợp tác với các công ty Nga khai thác thềm lục địa ở Biển Đông?
Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Khai thác dầu khí là ngành công nghiệp còn khá non trẻ ở Việt Nam và được tạo dựng nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. Việc hợp tác khai thác các mỏ dầu khí, nhất là trên thềm lục địa của Việt Nam là một trong những phương hướng hợp tác hiệu quả nhất giữa hai nước trong suốt nhiều năm trở lại đây. Vì vậy chúng tôi dành ưu tiên đặc biệt cho việc tiếp tục hợp tác với các công ty Nga và sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của họ ở Việt Nam. Hiện nay trên thềm lục địa của chúng tôi đã có mặt hầu hết các công ty dầu khí lớn của Nga như Gazprom, Rosneft, Lukoil và Zaruberneft.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cao Cường (PV TTXVN tại LB Nga)