Nga có thể nhập titan từ Việt Nam nếu nguồn cung Ukraine gián đoạn

Tổng công ty VSMPO-Avisma của Nga, nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới, phải nhập 100% nguyên liệu thô (ilmenit) từ Ukraine để sản xuất bọt titan. Tuy nhiên an toàn nguồn cung nguyên liệu thô của doanh nghiệp này không bị đe dọa bất chấp cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Nguyên liệu thô ilmenit để sản xuất bọt titan.


RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc công ty trên, Mikhail Voevodin cho biết khoảng 70% nguyên liệu thô công ty nhập từ mỏ Volnogorsk (tỉnh Dnipropetrovsk) và mỏ Irshansk (tỉnh Zhytomyr) của Ukraine. Nguyên liệu Ukraine có tỷ lệ titan cao nhất (khoảng 63%), vì thế sản xuất bọt titan từ nguyên liệu này hiệu quả nhất.

Trong trường hợp gián đoạn nguồn cung do tình hình tại Ukraine, VSMPO-Avisma đã kịp dự trữ ilmenit Ukraine trong kho của mình. Ông Voevodin cho biết: "Chúng đủ cho 8 tháng nhà máy hoạt động mà không phải lo gì. Trong thời gian đó có thể nhập nguyên liệu thô thay thế, ví dụ từ Việt Nam và châu Phi. Nguyên liệu châu Phi do vấn đề vận chuyển, đắt hơn 1,5 lần. Tuy nhiên do cơ cấu chi phí của ilmenit là 2% (15 triệu USD/năm) nên giá bọt titan sẽ không tăng đáng kể".

Theo ông Voevodin, hiện trên thị trường nguồn cung ilmenit đang thừa - từ châu Phi, Việt Nam và Australia. Tại Nga (trên dãy Altai) cũng có mỏ với tỷ lệ titan thấp hơn của Ukraine (dưới 50%), song có thể đảm bảo sự độc lập hoàn toàn về nguyên liệu của nhà máy và không phải nhập khẩu.

Khách hàng tiêu thụ chính của VSMPO-Avisma là các công ty chế tạo động cơ và máy bay lớn nhất thế giới. VSMPO-Avisma đảm bảo 40% nhu cầu titan cho Boeing, 60% cho EADS và công ty con Airbus của nó, 100% cho Embraer, cũng như các công ty UTAS, Messier-Bugatti-Dowty, Rolls Royce, Safran, Pratt & Whitney.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)
Nga chính thức ngừng cấp khí đốt cho Ukraine
Nga chính thức ngừng cấp khí đốt cho Ukraine

Ngay sau khi thời hạn chót vào lúc 10h sáng ngày 16/6 (theo giờ địa phương) kết thúc, Nga đã thông báo chính thức khóa van cung cấp khí đốt cho Ukraine với lý do chính quyền Kiev không thanh toán đúng hạn hóa đơn nợ mua khí đốt hiện lên tới 4,5 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN