Tại phiên họp, các nước thành viên LHQ đã chia sẻ quan điểm về tình hình Bosnia và Herzegovina, cũng như thủ tục, quy trình bổ nhiệm ông Christian Schmidt kế nhiệm Đại diện cao cấp đương nhiệm Valentin Inzko.
Phát biểu tại phiên họp. Bộ trưởng Ngoại giao Bosnia và Herzegovina, bà Bisera Turkovic cho rằng Đại diện cao cấp về Bosnia và Herzegovina đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện Hiệp định Dayton. Theo đó, bà Turkovic kêu gọi các thành viên Ban điều hành Hội đồng thực hiện hòa bình tiếp tục hỗ trợ hoạt động của Đại diện cao cấp, Văn phòng Đại diện cao cấp, đặc biệt đối với việc bổ nhiệm Đại diện cao cấp mới ngày 1/8 tới.
Bày tỏ quan ngại về tình hình Bosnia và Herzegovina tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới hòa bình bền vững, đoàn kết và thịnh vượng của quốc gia này, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ kêu gọi tăng cường nỗ lực giải quyết thách thức, ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân Bosnia và Herzegovina.
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò của các thể chế khu vực cũng như các điều ước quốc tế và khu vực, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương LHQ, trong đó có trung gian hòa giải và đề nghị các bên đối thoại nhằm tìm kiếm quan điểm chung vì hòa bình, ổn định, phát triển tại Bosnia và Herzegovina, cũng như toàn khu vực.
Ông Herve Lecoq, thuộc Phòng châu Âu và Trung Á của Ban Thư ký LHQ, bày tỏ quan ngại về tình hình tại Bosnia và Herzegovina, đặc biệt tình trạng chia rẽ, hận thù. Ông nhấn mạnh người dân Bosnia và Herzegovina có vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước vượt qua thách thức dịch bệnh COVID-19, tăng cường đoàn kết, hướng tới tương lai, đồng thời khẳng định LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc gia này.
Cùng ngày, với 15/15 phiếu thuận, HĐBA đã nhất trí thông qua các nghị quyết 2581 và 2582 gia hạn nhiệm vụ của Lực lượng Quan sát viên của LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) và gia hạn cơ chế trừng phạt liên quan CHDC Congo.
Nghị quyết 2581 gia hạn nhiệm vụ của lực lượng UNDOF đến ngày 31/12/2021 nhằm tiếp tục hỗ trợ duy trì Thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Syria và giám sát việc thực hiện Thoả thuận rút lực lượng của hai nước này tại Cao nguyên Golan. Lực lượng UNDOF được thành lập vào tháng 5/1974 theo Nghị quyết 350 của HĐBA; hiện có 1109 nhân sự và có sự hỗ trợ của 70 quan sát viên quân sự của Nhóm Giám sát Ngừng bắn của LHQ (UNTSO).
Nghị quyết 2582 gia hạn cơ chế trừng phạt liên quan CHDC Congo đến ngày 1/7/2022 và nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia hỗ trợ cơ chế này đến ngày 1/8/2022. Trong thời gian vừa qua, bất ổn an ninh tại miền Đông CHDC Congo tiếp diễn, chủ yếu do hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu tài nguyên thiên nhiên của các nhóm vũ trang. Trên cơ sở đó, HĐBA duy trì áp dụng các biện pháp cấm vận vũ khí, cấm đi lại và phong toả tài sản kể từ năm 2003 nhằm mục đích hỗ trợ duy trì an ninh và ổn định tại CHDC Congo.