Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
APEC khẳng định vai trò là cơ chế liên kết kinh tế then chốt
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa đối với Việt Nam và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC). Một năm sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng, tình hình thế giới, khu vực, hợp tác APEC đã và đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc, khó lường.
Trải qua gần ba thập niên phát triển, một phần tư thế kỷ thực hiện các Mục tiêu Bogor về thương mại, đầu tư mở, tự do, APEC đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, nhất là các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 – 1998 và toàn cầu năm 2008 – 2009. APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế liên kết kinh tế then chốt, góp phần quan trọng đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Hội nghị là cơ hội để đúc kết lại những thành tựu APEC đã đạt được, đánh giá những cơ hội, thách thức đối với Diễn đàn trong tình hình mới, từ đó đề xuất định hướng hợp tác và những nội hàm của Tầm nhìn APEC sau năm 2020. Kết quả thảo luận tại Hội nghị sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 đang được các thành viên và Nhóm Tầm nhìn APEC tích cực triển khai theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Hội nghị cũng là cơ hội để các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam cùng bạn bè quốc tế đánh giá lại kết quả tham gia, đóng góp của Việt Nam trong APEC; những lợi ích từ tham gia APEC và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế 20 năm qua đem lại cho đất nước, các địa phương, doanh nghiệp. Điều này giúp nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện hơn tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược khi quyết định tham gia APEC cách đây 20 năm. Bên cạnh đó, đúc rút những kinh nghiệm, đề xuất các chính sách, biện pháp để Việt Nam, ASEAN đóng góp hiệu quả, thiết thực hơn trong APEC và trong định hình cấu trúc liên kết kinh tế khu vực trước tình hình mới.
Đại sứ Allan Wagner, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Peru, Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC cho rằng, từ khi hình thành vào năm 1989, APEC đã trở thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất thế giới. 21 nền kinh tế thành viên với dân số 2,8 tỷ người đóng góp 59% GDP toàn thế giới và khoảng 50% tổng thương mại toàn cầu. Đây là xương sống của một trong những nỗ lực đa phương lớn nhất để tạo ra sự thịnh vượng, ổn định, phát triển cân bằng, bao trùm, đổi mới.
Việc tham gia APEC cũng là cột mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của hai nước Việt Nam và Peru, thông qua thúc đẩy ngoại giao mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, 13 thành viên APEC là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam. Từ khi tham gia vào APEC, Việt Nam và Peru đã có những đóng góp tích cực cho diễn đàn. Việt Nam là nước chủ nhà của APEC năm 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Việt Nam đã đảm bảo tính tiếp nối của các ưu tiên năm 2016 về việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, bao trùm, làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế, tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ trong kỷ nguyên số, tăng cường an ninh lương thực, đối phó với biến đổi khí hậu...
Việt Nam tự hào đã đồng hành cùng các thành viên APEC
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cách đây đúng hai thập kỷ, tháng 11/1998, Việt Nam vinh dự trở thành thành viên của APEC. Đây là quyết định có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập kinh tế, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập. Hai thập kỷ tham gia APEC cũng là hai thập kỷ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập.
Hai thập kỷ qua cũng ghi dấu giai đoạn chuyển mình sâu sắc của Diễn đàn trong chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển. APEC đã trưởng thành vượt lên kỳ vọng, khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại, đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. Các thành viên APEC đã vững vàng vượt khó khăn, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á – Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, một động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng khẳng định, thành công của APEC có được là nhờ sự hội tụ của tầm nhìn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên, trong đó có Việt Nam. Việt Nam tự hào đã đồng hành cùng các thành viên đóng góp tích cực xây dựng ngôi nhà chung APEC. Những dấu ấn Việt Nam, nhất là vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017, đã được ghi nhận trên bước đường phát triển của Diễn đàn APEC.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, trước thềm thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới, khu vực đang trải qua giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với APEC và Việt Nam. Nền tảng kinh tế thế giới tiếp tục chuyển đổi căn bản gắn với quá trình số hoá. Phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức cao, song xuất hiện nhiều rủi ro, nhất là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại, rủi ro về tài chính. Hệ thống thương mại đa phương và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đứng trước thách thức lớn nhất kể từ khi hình thành. Công nghệ số mở ra triển vọng tăng năng suất lao động và mức sống người dân, song làm tăng khoảng cách phát triển.
Các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt. Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực của tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu, có vị trí kinh tế và địa chính trị chiến lược quan trọng. Những chuyển dịch sâu sắc về địa – chính trị và địa – kinh tế đang thúc đẩy quá trình xây dựng cấu trúc mới ở khu vực... Trong bối cảnh đó, APEC đã và đang là nhân tố quan trọng trong tiến trình liên kết kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, chặng đường phía trước không phải là dễ dàng.
Phó Thủ tướng cho rằng, Tuần lễ Cấp cao APEC tại Papua New Guinea vừa qua đặt ra những thách thức nhất định đối với Diễn đàn APEC. Việc duy trì các giá trị cốt lõi của hợp tác APEC về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và mở đứng trước những khó khăn. Hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình.
Phó Thủ tướng đề nghị, Hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, APEC cần xác định các mục tiêu và nội hàm hợp tác mới để tiếp tục duy trì các giá trị cốt lõi của APEC. Trên nền tảng ba trụ cột hợp tác vốn có, cần thúc đẩy các yếu tố phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng. Kinh tế số cần trở thành một trọng tâm, chú trọng kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính, kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong hợp tác kinh tế - kỹ thuật, cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển nâng cao năng lực hội nhập và liên kết, tăng cường khả năng thích nghi với thay đổi, ứng phó biến đổi, rủi ro.
Bên cạnh đó, mọi sáng kiến, dự án, cơ chế hợp tác của APEC cần đặt người dân vào trung tâm của phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, APEC cần xây dựng các cộng đồng vững mạnh và bao trùm, chú trọng hơn các đối tượng dễ bị tổn thương. APEC cũng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để họ có cơ hội tham gia vào những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, APEC cần nâng cao khả năng thích ứng và vai trò lãnh đạo trong quản trị kinh tế toàn cầu. APEC hoàn toàn có khả năng phát huy vai trò đầu tàu trong xây dựng cấu trúc mới ở khu vực, bảo đảm các nguyên tắc mở, công bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ, hài hòa lợi ích của tất cả các bên trong và ngoài khu vực.
Để thực hiện được vai trò đó, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là tiên phong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO. Đồng thời, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các khuôn khổ liên kết khu vực đa tầng nấc; xử lý hiệu quả các vấn đề kinh tế cấp bách và ứng phó với các thách thức chung.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ban, ngành tiếp tục chủ động đề xuất sáng kiến, ý tưởng, thể hiện vai trò nòng cốt trong nỗ lực triển khai các cam kết và chiến lược dài hạn của APEC. Việt Nam cần tiếp tục đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai tầm nhìn mới APEC sau năm 2020, đóng góp định hình cấu trúc mới ở khu vực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời kỳ chiến lược mới, châu Á – Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên để phát huy vai trò của APEC, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết, thịnh vượng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng khu vực tự cường, gắn kết, bao trùm và sáng tạo
Tại phiên thảo luận về “Diễn đàn APEC – Động lực quan trọng của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu”, các đại biểu cho rằng APEC đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, khẳng định vai trò là cơ chế liên kết kinh tế then chốt, góp phần quan trọng đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực chuyển biến nhanh chóng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại, hơn bao giờ hết APEC cần đi đầu thúc đẩy đà tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực và giải quyết những thách thức của thế kỷ 21.
Các thành viên và Ban Thư ký APEC đánh giá cao vai trò, sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam tại Diễn đàn APEC. Nhiều thành viên đề cao những kết quả nổi bật trong hai lần Việt Nam đăng cai APEC các năm 2006 và 2017, đặc biệt là 8 văn kiện được thông qua trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và vai trò chủ trì, khởi xướng của Việt Nam trong xây dựng Tầm nhìn mới cho Diễn đàn sau năm 2020.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh tham gia APEC đánh dấu cột mốc mới trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam không chỉ thụ hưởng những lợi ích to lớn của APEC mà còn thể hiện vai trò là một thành viên tích cực và trách nhiệm với những đóng góp đầy ý nghĩa. Các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng chia sẻ việc tham gia APEC đã mang nhiều lợi ích to lớn và thiết thực về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Hội nghị đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong APEC cũng như trong định hình cấu trúc liên kết kinh tế khu vực, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Trong phiên thảo luận thứ hai về “Tầm nhìn mới vì một cộng đồng khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, kết nối và thịnh vượng”, các đại biểu nhấn mạnh, vai trò không thể thiếu của APEC trong cục diện liên kết đa tầng nấc tại khu vực. Trong phát biểu về tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020, Đại sứ Allan Wagner, Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG) nhấn mạnh tầm nhìn mới cần đặt nền tảng cho một châu Á – Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, tự cường vì sự phát triển bao trùm và bền vững của các nền kinh tế.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Việt Nam tại Nhóm Tầm nhìn APEC cho rằng, 10 - 15 năm tới là giai đoạn chuyển đổi then chốt. Chương trình nghị sự APEC sau 2020 cần góp phần xây dựng một khu vực tự cường, gắn kết, bao trùm và sáng tạo. APEC cần đóng vai trò toàn cầu vì một Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Là một thành viên chủ động, sáng tạo của APEC, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực để góp phần định hình và thực hiện Tầm nhìn APEC sau 2020, xây dựng APEC vì người dân và doanh nghiệp.
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao Huân chương Lao động, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, cho 25 tập thể và cá nhân thuộc các bộ, ngành trung ương và các địa phương về những thành tích xuất sắc đóng góp cho thành công của Năm APEC 2017.