Đánh giá về mối quan hệ hợp tác này, Bộ trưởng, Thủ hiến Pierre-Yves Jeholet nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng COVID-19 không cản trở mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, một sự hợp tác song phương đang hoạt động rất tốt. Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp vừa kỷ niệm 25 năm sự hiện diện của Phái đoàn Wallonia-Brussels ở Hà Nội. Trong suốt 1/4 thế kỷ, mối quan hệ đó không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi bình diện, từ hợp tác đối tác hàn lâm, khoa học tới lĩnh vực kinh tế và công nghiệp. Ngày nay, hơn bao giờ hết, đối với Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Việt Nam luôn luôn là đối tác ưu tiên cả về hợp tác y tế, văn hóa, xã hội tới hợp tác hàn lâm và kinh tế cũng như quảng bá tiếng Pháp vì Việt Nam là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ".
Đề cập đến những triển vọng hợp tác song phương, Thủ hiến Chính phủ Wallonia-Brussels cho rằng, khi đã kiểm soát được dịch COVID-19, Việt Nam đang đón rất nhiều khách du lịch, trong đó gần 40% du khách nói tiếng Pháp. Với chuyên môn và kinh nghiệm về giáo dục, đào tạo, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp muốn tập trung hợp tác với các đối tác Việt Nam, các trường đại học trong việc giảng dạy tiếng Pháp du lịch. Ông nhận định: "Đây là loại hình hợp tác có nhiều triển vọng".
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Thủ hiến Pierre-Yves Jeholet sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng tới. Mục đích là để tăng cường, cải thiện hơn nữa sự hợp tác trong một loạt các lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục, nghiên cứu khoa học, đồng thời trao đổi, đánh giá với lãnh đạo Việt Nam về sự hiện diện ngoại giao của Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam cũng như kết quả hợp tác trong 25 năm qua.
Quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp bắt đầu từ năm 1993. Năm 1996, Văn phòng Phái đoàn Wallonia-Brussels được thành lập tại Hà Nội. Sáu năm sau, quan hệ hợp tác song phương đã được nâng lên một tầm cao mới với việc ký kết thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Chính phủ Vùng Wallonia, Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp Vùng Thủ đô Brussels. Từ đó đến nay, 33 chuyến thăm chính thức đã tăng cường và củng cố hợp tác lâu dài và tin cậy lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn hướng tới phát triển bền vững.
Tổng số 783 dự án do 10 Ủy ban Hỗn hợp thường trực Việt Nam/Wallonie-Bruxelles phê duyệt và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, 805 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đã được nhận học bổng. Ngoài ra, gần 2.000 chuyên gia đã được trao đổi giữa hai bên.
Hợp tác song phương chú trọng vào các lĩnh vực như y tế, môi trường, công nghệ mới, giáo dục đại học, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học, văn hóa và Pháp ngữ… Wallonia-Brussels đã góp phần đáng kể vào việc phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình ở hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn hóa, Phái đoàn Wallonia-Brussels đã có sáng kiến tổ chức nhiều hoạt động văn hóa quan trọng tại Việt Nam như Liên hoan Âm nhạc châu Âu, Liên hoan Phim tài liệu Việt Nam-châu Âu, Liên hoan Múa châu Âu.
Ủy ban Hỗn hợp thường trực lần thứ 11 giữa Chính phủ Việt Nam và các Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Vùng Wallonia đã diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12/2021 với 27 dự án được thông qua. Mục tiêu của chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2024 là hỗ trợ thúc đẩy các giá trị toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm; tham gia vào việc đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, sáng tạo và phát triển các chuỗi giá trị; hỗ trợ các dự án hợp tác giữa các địa phương và nhân rộng các kết quả đạt được cho các địa phương khác của cả nước; tham gia tăng cường năng lực và củng cố hợp tác đối tác giữa chính quyền công, cơ sở đào tạo và đối tác tư nhân; tham gia hữu ích vào các hoạt động mà Cộng đồng Pháp ngữ ưu tiên, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và thanh niên; tham gia thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững được đề ra bởi Chương trình Nghị sự 2030 trong khuôn khổ Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc.
Các dự án dựa trên hai định hướng chính: hợp tác trong các lĩnh vực xã hội, bao gồm cả lĩnh vực y tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, pháp luật…, và văn hóa; hợp tác nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghiệp (bao gồm cả lĩnh vực y tế, môi trường và phát huy giá trị kinh tế trong nghiên cứu khoa học, nông nghiệp, logistic), phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Ngoại thương và Đầu tư Vùng Wallonia (AWEX).
Thông qua hai định hướng trên, hai bên cũng chú trọng phát huy công nghệ mới, cho phép củng cố các sáng kiến chung đã được triển khai trong các chương trình hợp tác trước đây.
Ngoài hai định hướng nêu trên, các bên phát triển hướng hợp tác liên ngành liên quan đến việc khai thác các thành quả ban đầu thu được từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), đặc biệt nhằm phát huy tối đa việc trao đổi kiến thức để đôi bên cùng có lợi về luật pháp liên quan tới tranh chấp thương mại, tiêu chuẩn áp dụng, thực tiễn hoạt động, công nghệ ứng dụng…