Tổng thư ký LHQ Guterres báo cáo rằng tình hình đối đầu quân sự tại Tigray đã tác động lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị của Ethiopia và khu vực, đồng thời nhắc lại không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông nhấn mạnh các bên cần phải hành động ngay trên 3 mặt trận, dừng ngay các hành động thù địch, bảo đảm tiếp cận nhân đạo không bi hạn chế đi kèm với việc khôi phục các dịch vụ cơ bản ở tất cả các khu vực bị ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi để khởi động tiến trình đối thoại chính trị do Ethiopia dẫn dắt.
Người đứng đầu LHQ cũng lên án các hành vi bạo lực, cướp bóc, lạm dụng nhân quyền và đề nghị các bên cần chấm dứt các hành động này nhằm thúc đẩy các hoạt động nhân đạo; kêu gọi các bên liên quan cần chấm dứt các hành động thù địch; đối thoại để hướng tới giải pháp chính trị cuối cùng; đề nghị quân đội nước ngoài rút quân; tôn trọng hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Các nước HĐBA bày tỏ quan ngại trước việc tình hình tại Tigray chưa có cải thiện, đặc biệt là tình hình nhân đạo nghiêm trọng và các vụ bạo lực nhằm vào dân thường, nhân viên hỗ trợ nhân đạo và cơ sở hạ tầng. Một số nước yêu cầu có cơ chế điều tra độc lập đối với các vi phạm này và các thủ phạm phải bị xét xử. Các nước yêu cầu Chính phủ và các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo đến được với người dân. Một số nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Ethiopia cũng như vai trò của các nước và tổ chức ở khu vực trong thúc đẩy đổi thoại, giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà lo ngại tình hình nhân đạo tại Ethiopia ngày càng xấu đi trong khi đối thoại, hoà giải và tiến trình chính trị bế tắc. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến việc đạt được giải pháp cho vấn đề tại Tigray trở nên khó khăn hơn.
Đại diện Việt Nam kêu gọi Chính phủ Ethiopia và các bên liên quan đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo an toàn, hiệu quả và mở rộng khả năng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo đến các khu vực ở Tigray và khu vực giáp biên. Đại diện Việt Nam cũng cho rằng cuộc xung đột hiện nay vốn xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa về chính trị, lịch sử và sắc tộc, đã có những tác động nhất định đến khu vực, do đó ưu tiên hiện nay là các bên ngừng giao tranh, tiến hành đối thoại và khởi động tiến trình chính trị. Việt Nam hy vọng các bên kiềm chế mọi hành động có thể khiến Ethiopia rơi vào cảnh hỗn loạn và gây tác động đến hòa bình và an ninh trong nước cũng như khu vực.