Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phiên họp do Ngoại trưởng Thụy Sỹ (nước Chủ tịch HĐBA tháng 5/2023) chủ trì với sự tham dự, phát biểu của đại diện hơn 70 nước và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế liên quan. Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ quan ngại về tình trạng xói mòn lòng tin trong quan hệ quốc tế và tại các cơ chế đa phương, làm gia tăng nguy cơ xung đột và thách thức đối với cộng đồng quốc tế trong xây dựng và duy trì hòa bình. Trước tình hình đó, các nước và tổ chức liên quan đều nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục và củng cố lòng tin cả trên cấp độ toàn cầu, khu vực cũng như trong phạm vi các quốc gia vì một nền hòa bình bền vững và lâu dài.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường, lòng tin và đối thoại là những thành tố không thể thiếu của chủ nghĩa đa phương và các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, an ninh. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn, cần hành động thiện chí và trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, cũng như tôn trọng lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.
Về xây dựng hòa bình hậu xung đột, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, nhất là giữa các Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ với chính quyền, người dân cũng như các lực lượng chính trị, vũ trang của nước tiếp nhận. Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và HĐBA thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo và bất bình đẳng, trên cơ sở nâng cao tính minh bạch và bao trùm trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, đồng thời xác định xây dựng lòng tin là một trong các thành tố chính của Chương trình Nghị sự mới vì Hòa bình của Tổng Thư ký LHQ.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng yếu tố lòng tin trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia và đóng góp tại các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.