Bên cạnh những hợp tác chặt chẽ về chính trị, văn hóa, xã hội, hợp tác kinh tế cộng đồng Pháp ngữ được xác định là trọng tâm thúc đẩy của Việt Nam trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực phục hồi kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam là nước điều phối xây dựng Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025 (Việt Nam đảm nhiệm từ tháng 3/2019).
Cánh cửa nâng tầm vị thế Việt Nam
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thành lập vào năm 1970, hiện có 88 nước thành viên, trong đó có 27 quan sát viên, hiện diện ở khắp các châu lục trên thế giới.
Với 1,2 tỷ người, cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1986 và từ đó diễn ra hai năm một lần. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ngày càng phát triển thành một không gian đa dạng, đó là cơ sở để Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng và hội nhập.
Là thành viên của cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1979, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác và tăng cường đối thoại giữa các nước thành viên trong cộng đồng. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác đối với cộng đồng Pháp ngữ.
Dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến có lẽ là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ bảy được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/1997. Với việc tổ chức thành công hội nghị này, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa-ngôn ngữ.
Hiện nay, Việt Nam được coi là thành viên thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhiều lần được cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng. Gần đây nhất, tháng 9/2020, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai đã được Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một văn phòng khu vực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Việt Nam luôn thể hiện sự tích cực khi tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và tham gia sôi nổi các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2019, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo khẳng định tầm quan trọng và vai trò tích cực của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ. Bà Louise Mushikiwabo đánh giá cao vai trò Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ hòa bình tại châu Phi cũng như các hoạt động giảng dạy tiếng Pháp tại nhà trường, qua đó góp phần gắn kết các thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định khi trao đổi với bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ trong chuyến thăm trụ sở Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tháng 11/2021. Theo đó, Thủ tướng hoan nghênh những nỗ lực, đóng góp của cộng đồng Pháp ngữ vào gìn giữ hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển ở các nước thành viên, tăng cường hợp tác, đoàn kết nội khối. Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam luôn tích cực đề cao đối thoại, hợp tác, đóng góp vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các bất ổn, xung đột, trong đó có một số nước châu Phi thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Trên tinh thần đó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nói chung, với các nước thành viên Pháp ngữ nói riêng trong những năm qua được tăng cường, thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục đào tạo...
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong phiên họp ngày 8/9/2020, lần đầu tiên thảo luận mở về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam với tư cách vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã đưa ra một số sáng kiến như xây dựng mạng lưới Pháp ngữ chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án của Liên hợp quốc tại châu Phi, tăng cường hợp tác ba bên Liên hợp quốc- Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Liên minh châu Phi (AU) trong giải quyết xung đột. Từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sỹ quan quân đội tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Trung Phi.
Tháng 3/2019, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ mang tên “Sắc màu Pháp ngữ” nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới quần chúng nhân dân về cộng đồng Pháp ngữ, cũng như những mục tiêu, giá trị chung của cộng đồng, đề cao vai trò và đóng góp của Việt Nam.
Có thể nói, với những hoạt động hợp tác hết sức chặt chẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cùng sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng Pháp ngữ, với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đang nỗ lực góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Việt Nam cùng các nền kinh tế Pháp ngữ phục hồi bền vừng
Cũng trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị khối Pháp ngữ có những giải pháp cụ thể để tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước nghèo có điều kiện phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), có FTA với 60 nền kinh tế, trong đó có một số nền kinh tế cộng đồng Pháp ngữ, đây là điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước Pháp ngữ. Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp, viễn thông và mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác với các nước Pháp ngữ.
Như vậy, hợp tác kinh tế Pháp ngữ là trọng tâm thúc đẩy hợp tác của Việt Nam trong cộng đồng. Và cùng với sự phát triển kinh tế ấn tượng những năm gần đây của Việt Nam, đây cũng là một trong những lý do để Tổ chức quốc tế Pháp ngữ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của Đoàn xúc tiến kinh tế - thương mại Pháp ngữ từ ngày 21-30/3/2022 tại Việt Nam và Campuchia nhằm triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025. Đây là chương trình hợp tác kinh tế mới của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhằm hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp Pháp ngữ mở rộng hoạt động quốc tế. Đoàn do Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo dẫn đầu.
Theo Bộ Ngoại giao, đây là đoàn nước ngoài có số lượng doanh nghiệp quốc tế lớn nhất gồm khoảng 70 doanh nghiệp vào Việt Nam sau khi đất nước chuyển sang thích ứng an toàn với COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Việt Nam, trong các ngày từ ngày 21-26/3, đoàn sẽ tạo cơ hội để 102 doanh nhân và chủ thể kinh tế quốc tế (76 từ châu Phi, 18 từ châu Âu, 5 từ Ấn Độ Dương, 2 từ Bắc Mỹ và 1 từ Caribe) đến từ 24 quốc gia và chính phủ thành viên của OIF, hơn 420 doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, thảo luận về các dự án kinh doanh, đầu tư, tập trung trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp - chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số.
Đặc biệt, đoàn cùng với một số Bộ, ngành của Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ 22- 23/3), Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam- Pháp ngữ tại Hà Nội (24/3) nhằm giới thiệu các định hướng chiến lược, cơ hội kinh doanh, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam; các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp theo hình thức B2B, các chuyến tham quan doanh nghiệp và các dạ tiệc giao lưu, kết nối, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ với các đối tác của Việt Nam
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho biết, thông qua chuyến thăm của Đoàn xúc tiến kinh tế - thương mại Pháp ngữ, tổ chức này muốn hỗ trợ các quốc gia và chính phủ thành viên, nhất là nước đoàn đến, có cơ hội thúc đẩy hợp tác phục hồi bền vững nền kinh tế, vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.