Tham dự Tọa đàm, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại diện một số Vụ, Cục của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Anh có Giám đốc Điều hành của Tổ chức Asia House, ông Michael Lawrence và đại diện lãnh đạo khoảng 40 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Anh (HSBC, De La Rue, KPMG, Prudential, Standard Chartered...).
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, Tọa đàm là cơ hội quý báu để kết nối doanh nghiệp Anh với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chia sẻ thông tin về chính sách và nâng cao cơ hội hợp tác với giới doanh nghiệp Anh tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh hai nước đang triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và hồi phục nền kinh tế.
Trên cương vị Chủ tịch của ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, thúc đẩy ASEAN thể hiện khả năng thích ứng, cũng như sự gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa ASEAN với các đối tác quan trọng, tăng cường đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương thông qua Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới để xử lý những thách thức do đại dịch gây ra, cùng nhau hướng tới xây dựng một thế giới ổn định, an toàn, bền vững hơn.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng dịch, vừa nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 5%, ổn định xã hội, đời sống nhân dân. Chính phủ Việt Nam đã quyết định nhiều giải pháp cấp bách về sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập tổ công đặc biệt để xúc tiến đầu tư hậu COVID-19.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng, Việt Nam có thể hoàn thành các mục tiêu này nhờ sớm kiểm soát dịch bệnh với các biện pháp phục hồi kinh tế, tranh thủ lợi thế thị trường lớn, dân số trẻ, mức độ tăng trưởng chuyển đổi số nền kinh tế khá cao so với khu vực và mạng lưới kết nối FTA sâu rộng và toàn diện với gần 60 đối tác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Anh đến đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong thời gian tới, việc tận dụng cơ hội do Anh rời Liên minh châu Âu đem lại và với những thế mạnh của nhau, hai nước hoàn toàn có thể thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các nhà đầu tư Anh nên đón đầu các cơ hội qua những chính sách khuyến khích thương mại - đầu tư hậu dịch COVID-19 của Việt Nam, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng đến Việt Nam và với việc triển khai trên thực tế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ông Michael Lawrence thay mặt cho Tổ chức Asia House và các doanh nghiệp Anh cảm ơn Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Việt Nam đã tham dự Tọa đàm trao đổi về chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam mà các doanh nghiệp Anh quan tâm.
Trao đổi tại Tọa đàm, các doanh nghiệp Anh quan tâm và trao đổi với các bộ, ngành Việt Nam về các vấn đề như quan hệ hợp tác Việt-Anh, cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Anh, chính sách khuyến khích thương mại - đầu tư hậu COVID-19 của Việt Nam, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng và việc Việt Nam triển khai các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.