Tình hình thế giới, khu vực được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Trong bối cảnh đó, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. Việc Việt Nam khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc mà còn tạo ra vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch.
Báo cáo với Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước. Tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Để phục hồi nền kinh tế sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc lại các khu vực sản xuất để tăng thêm chuỗi cung ứng sao cho không quá lệ thuộc vào nguồn cung sản phẩm từ nước ngoài.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tác động đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến sự đình trệ của các khu vực kinh tế, làm đứt gãy khu vực cung cấp nguyên liệu, làm gián đoạn toàn bộ thị trường xuất khẩu. Việt Nam là nước có nền kinh tế mở trong khi bối cảnh các nước trên thế giới đang đóng cửa kinh tế nên ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,82% thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có giải pháp ứng phó rất hiệu quả trong bối cảnh hết sức bất thường.
Việt Nam đang có lợi thế là đã kiểm soát được dịch bệnh, sớm đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường trong bối cảnh mới, trong khi thị trường thế giới tiếp tục bị đình trệ, nhiều nước vẫn đang khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng vừa là thách thức. Cơ hội là có thể khôi phục lại hoạt động kinh doanh đảm bảo hoạt động bình thường trong nước. Nhưng bên cạnh đó khó đưa hàng hóa ra thị trường các nước hiện chưa mở cửa do ảnh hưởng dịch bệnh. Để tận dụng được cơ hội này, trước hết trong ngắn hạn phải có giải pháp của Chính phủ giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi trở lại. Thứ hai là, phải thay đổi phương thức tiếp cận của sản phẩm hàng hóa dịch vụ ra thị trường mới không đi theo lối truyền thống. Những thị trường mới hiện nay đang là cơ hội để chúng ta đưa sản phẩm vào với uy tín, độ tin cậy trong phòng chống dịch cũng như cung cấp sản phẩm vật tư y tế, với thương hiệu quốc gia để tiếp cận các thị trường này.
Về lâu dài Việt Nam tiếp tục đón nhận các hoạt động chuyển dịch mới của khu vực kinh tế thế giới khi mà ảnh hưởng dịch bệnh đã tạo ra tình trạng đứt đoạn khi tập trung quá đông vào một khu vực, đặc biệt thị trường Trung quốc. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể lựa chọn, đón được nhà đầu tư để tạo ra khu vực mới mà Việt Nam có thể thay thế một phần nào hoặc thậm chí tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín ở trong nước thích nghi thị trường mới, thị trường cao cấp.
Cử tri Nguyễn Quốc Huy cư trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ mong muốn, trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ có những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với tinh thần quyết liệt như tinh thần trong phòng chống dịch bệnh để có thể thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”; trong đó, cần xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định, để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ cần miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.