Việt Nam có ca thứ 61 mắc COVID-19, đề xuất hỗ trợ cho cán bộ y tế

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến 22 giờ ngày 16/3 Việt Nam đã ghi nhân thêm 4 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc dịch lên 61 người; trong đó đã có 16 người chữa khỏi và được ra viện.

Chú thích ảnh
Đoàn thanh niên thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đo thân nhiệt tại trụ sở làm việc của UBND cho cán bộ và nhân dân đến giao dịch. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí phòng chống dịch

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều cùng ngày về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cấp, các ngành, địa phương đã vao cuộc quyết liệt, xử lý các vấn đề đặt ra trong phòng chống đại dịch toàn cầu. Thủ tướng nhất trí với các ý kiến nhận định, giai đoạn này dịch COVID-19 khốc liệt hơn. Đây cũng là giai đoạn vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hạn chế việc tụ tập đông người ở tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các thành phố lớn để hạn chế lây nhiễm, kể cả các quán bar, karaoke và các điểm có nguy cơ dễ lây nhiễm khác. Tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát. Vai trò của địa phương, xã, phường hết sức quan trọng cùng với ngành y tế trong giám sát cá nhân từ nước ngoài về và những người nghi nhiễm.

Đánh giá cao các doanh nghiệp, đơn vị đã ủng hộ công tác phòng chống dịch, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động và đứng ra tiếp nhận để bàn giao cho Bộ Y tế mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu với giá thị trường. Thành lập tổ công tác do Bộ Tài chính làm tổ trưởng cùng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xác định giá một cách công khai, minh bạch để kịp thời mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia xem xét cụ thể các mức tăng chi cho người cách ly; đề xuất mức hỗ trợ cho bác sĩ, y tế, nhân viên y tế và các cá nhân liên quan phục vụ công tác cách ly với tinh thần “không để anh em quá vất vả mà chi phí quá thấp”. Bộ Y tế, với những cách làm cụ thể, mua ngay thiết bị vật tư y tế. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp mua sắm thiết bị cho các bệnh viện của mình để đủ cơ số cần thiết theo sự phân công. Bộ Công Thương lo đủ khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc chống kỳ thị đối với người nhiễm COVID-19; lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo.

Video cán bộ phóng viên TTXVN đo thân nhiệt và vệ sinh khử khuẩn cầu thang máy nơi công sở:

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã phát đi thông báo danh sách 8 chuyến bay có người mắc dịch COVID-19. Theo đó, các chuyến bay gồm: Chuyến bay SQ 176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Nội Bài (Hà Nội) ngày 15/3/2020; chuyến bay VJ 826 của Vietjet Air từ Kuala Lumpur (Malaysia) về TP Hồ Chí Minh ngày 4/3/2020; chuyến bay TK 162 của Turkey Airlines từ Istanbul đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/3/2020; chuyến bay QH 1521 của Bamboo Airways từ TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc ngày 9/3/2020; chuyến bay QH 1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến TP. Hồ Chí Minh ngày 13/3/2020; chuyến bay SU 290 Aeroflot của từ Moscow đến Hà Nội ngày 12/3/2020; chuyến bay QR 970 của Qatar Airways từ Doha đến TP Hồ Chí Minh ngày 10/3/2020; chuyến bay TG 564 của Thai Airway từ Bangkok (Thái Lan) về Nội Bài (Hà Nội) ngày 15/3/2020.

Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay nói trên liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ. Các đại lý bán vé cho các hành khách trên có trách nhiệm thông báo cho hành khách đã mua vé bay trên các chuyến máy bay này.

Cần tiếp tục theo dõi, giám sát với người đã hết thời gian cách ly

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội chiều 16/3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn, công tác chỉ đạo sát sao, kiểm soát chặt các trường hợp nghi ngờ, tiếp xúc với người bệnh nên người dân hoàn toàn yên tâm. Thành phố sẽ cố gắng duy trì tình hình dịch ổn định đến hết tháng 4, mong rằng dịch sẽ giảm dần.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến hiện tại, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhân 13 trường hợp mắc COVID-19; đặc biệt, từ ngày 9-16/3 Thành phố đã ghi nhận thêm 9 trường hợp mắc mới, chưa có trường hợp tử vong. Ngành y tế Hà Nội đã rà soát tổng số người tiếp xúc gần với các ca bệnh (F1) là 376 trường hợp, đã lấy mẫu xét nghiệm 371 trường hợp; trong đó có 364 mẫu có kết quả âm tính, 12 trường hợp đang chờ kết quả. Số trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc với người bệnh (F2) là 918 người, tất cả các trường hợp này đều được cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi cư trú; trong đó đã lấy 128 mẫu xét nghiệm. Kết quả 128/128 mẫu âm tính.

Hiện Hà Nội cũng đã tổ chức khoanh vùng, cách ly các khu vực có người bệnh, phun khử khuẩn và đảm bảo sinh hoạt của người dân trong khu vực cách ly. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định: Tại Hà Nội, hiện các ca lây nhiễm trong 10 ngày qua đều được xác định rõ nguồn gốc và có tình trạng lây nhiễm chéo. Đặc biệt, trong đó có 2 trường hợp âm tính nhưng 7 ngày sau lại phát bệnh. Vì vậy, cần nhìn nhận rõ để xác định các trường hợp có tiếp xúc gần có kết quả âm tính thì chưa thể yên tâm hoàn toàn.

Cần tiếp tục theo dõi, giám sát với người đã hết thời gian 14 ngày cách ly. Bởi hiện nay trên thế giới, thậm chí có những người đến ngày thứ 39 mới phát bệnh. Với tất cả những trường hợp đã hết cách ly khi đã cho về địa phương vẫn phải theo dõi, chăm sóc sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với người thân, cộng đồng. Đảm bảo các trường hợp này khi được hơn 20 ngày, sức khoẻ ổn định mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Nhóm người này khi về cũng giảm các hoạt động tụ tập, đặc biệt nếu có các dấu hiệu liên quan đến sốt, ho, khó thở vẫn phải kiểm tra y tế.

Nói về năng lực xét nghiệm của Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Trên địa bàn Thành phố hiện có thể huy động nguồn lực để có thể lấy được từ 1.500 - 2.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Trong những ngày tới, năng lực xét nghiệm của Thành phố còn có thể cao hơn, lên tới 2.000- 2.500 mẫu/ngày. Điều này hỗ trợ rất lớn cho công tác phát hiện ca bệnh, phòng chống dịch trên địa bàn.

Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay Hà Nội có 3 nguy cơ lây nhiễm lớn. Thứ nhất là nhóm người đi về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy đang giảm ca bệnh nhưng vẫn có nguy cơ cao. Đối với những trường hợp này cần tiếp tục chăm sóc sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì phải báo ngay cho 115 để thực hiện cách ly và xét nghiệm miễn phí. Thứ hai là nhóm khách du lịch người nước ngoài, học sinh đi từ châu Âu và các quốc gia có vùng dịch đến trước ngày 6/3, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro xuất hiện ca lây nhiễm từ nhóm này. Thứ ba là người nước ngoài, các du học sinh đang trở về (gần 1000 người). Để kiểm soát các đối tượng này, Thành phố đang tổ chức khai báo y tế, tổ chức đo thân nhiệt, bởi những người này vẫn có thể phát bệnh trong những ngày tới.

Trong một diễn biến tích cực, hầu hết các bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam đều trong tình trạng sức khỏe ổn định, nhiều trường hợp đã âm tính 1 lần. Trong đó, có 2 bệnh nhân nặng đang được các chuyên gia hàng đầu thường xuyên hội chẩn, hỗ trợ điều trị chuyên môn. Nhiều bệnh nhân COVID-19 đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần như: Bệnh nhân thứ 18 của Việt Nam (BN18) đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính vào tối ngày 14/3, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không sốt, không ho, ăn uống bình thường.

Bệnh viện Đà Nẵng đang điều trị cho 3 bệnh nhân (2 bệnh nhân nước ngoài, 1 người Việt); đến nay, kết quả xét nghiệm của 2 bệnh nhân nước ngoài đã 1 lần âm tính, dự kiến sẽ lấy mẫu xét nghiệm thêm vào ngày mai, 17/3. Một bệnh nhân khác cũng có kết quả âm tính 1 lần là nữ bệnh nhân người Anh đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội).

Ngay khi nhận thông tin về diễn biến nặng của bệnh nhân này, từ sáng ngày 15/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã liên hệ trực tiếp với GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực đề nghị phối hợp, hỗ trợ chuyên môn để điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Trưa 15/3, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, một đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai, đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để hội chẩn điều trị bệnh nhân này. Cuối giờ chiều ngày 15/3, tại điểm cầu Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, hô hấp, tim mạch... đã cùng hội chẩn trực tuyến điều trị cho bệnh nhân này với các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

V.Tôn/Báo tin tức
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 17/3: 7.139 ca tử vong, Mỹ bắt đầu thử vắc-xin COVID trên người
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 17/3: 7.139 ca tử vong, Mỹ bắt đầu thử vắc-xin COVID trên người

Trong vòng 24h qua, dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành tại châu Âu, khiến số người mắc bệnh và tử vong tăng lên bàng hoàng sau mỗi giờ. Tại Mỹ, vắc-xin ngừa COVID bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng, trong khi bang đầu tiên đã áp đặt lệnh giới nghiêm và chính quyền đang thảo luận đề xuất áp đặt giới nghiêm trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN