Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, được các nước Kenya, Niger, Na Uy, Saint Vincent & Grenadines, Nga, Mỹ và Malta đồng bảo trợ và đứng tên tổ chức. Sự kiện đã thu hút hơn 30 lượt phát biểu và gần 100 nước trong và ngoài HĐBA và các nước, các tổ chức quan sát viên LHQ tham gia.
Tại cuộc họp, các nước và các tổ chức quốc tế đều bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam, cho rằng vấn đề được nêu ra thảo luận rất kịp thời, đáp ứng quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhất là khi thế giới chưa có các số liệu thống kê, phân tích, đánh giá tổng thể về thực trạng cũng như các khó khăn, nguy cơ mà các em không có sự chăm sóc của cha mẹ, bị chia cắt khỏi gia đình hay không có cha mẹ đi kèm, đang phải đối mặt hàng ngày, đặc biệt trong tình hình xung đột.
Trong bối cảnh đó, các nước nhấn mạnh cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực và chính phủ các nước cần quan tâm đặc biệt và tiến hành các biện pháp bảo vệ, chăm sóc đối tượng trẻ em này, cùng phối hợp trong việc tìm kiếm, xây dựng các giải pháp tổng thể, toàn diện và lâu dài, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của các em.
Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Omar Abdi nhấn mạnh trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, bị chia cắt khỏi gia đình hay không có cha mẹ đi kèm phải chịu đựng những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý, tình cảm và xã hội, hậu quả có thể đeo đẳng các em suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, các em còn đứng trước nhiều nguy cơ bị bạo hành, lạm dụng, bỏ rơi và bóc lột. Do đó, UNICEF đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng và gia đình, dịch vụ Truy tìm và Đoàn tụ Gia đình cũng như dịch vụ chăm sóc thay thế trên 75 quốc gia.
Theo Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC), trẻ em di cư, trong đó có cả trẻ em tị nạn, cũng cần được quan tâm, đặc biệt một số em bị tách khỏi gia đình khi đang trong cuộc hành trình, trong khi đó một số khác bị cha mẹ gửi đi mà không có người đi kèm với mục đích để các em không bị tuyển dụng vào các nhóm vũ trang. ICRC cũng bày tỏ quan ngại một số trẻ em còn bị giam giữ do nhập cư hoặc có nguy cơ bị đẩy trở lại các nơi nguy hiểm và hàng nghìn trẻ em khác đang bị mắc kẹt trong các tình huống buộc phải di dời, hay bị lạc và bị bỏ lại mà không được tiếp cận giáo dục, dinh dưỡng hoặc chăm sóc y tế.
Đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cho rằng việc mất đi sự chăm sóc của cha mẹ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với trẻ em và làm gia tăng các nguy cơ như trẻ em dễ bị lạm dụng, bóc lột hoặc bị bạo lực tình dục; nêu quan ngại tình hình trẻ em ở Đông Bắc Syria, gồm cả người Syria, người Iraq và các công dân nước ngoài từ hơn 60 quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Đặng Đình Quý nhấn mạnh xung đột và căng thẳng trên khắp toàn cầu đang gây ra những thách thức đối với người dân, trong đó có trẻ em, đặc biệt là các em không được cha mẹ chăm sóc, không có người đi kèm và bị chia cắt khỏi gia đình. Đại sứ cho rằng mặc dù những trẻ em này là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm dễ bị tổn thương, song khuôn khổ luật pháp quốc tế trong vấn đề này mới chỉ đưa ra các nguyên tắc chung và vấn đề của các em chưa được quan tâm đầy đủ. Do vậy, cần nâng cao nhận thức hơn nữa về việc bảo vệ và chăm sóc những trẻ em này cũng như cần tăng cường hỗ trợ đối với các em ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Đại sứ nhấn mạnh HĐBA cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình theo Hiến chương LHQ thông qua các cơ chế hiện có để giải quyết các thách thức cũng như tìm giải pháp cho vấn đề này. Đại sứ khẳng định Việt Nam là nước luôn đặt trẻ em trên vị trí ưu tiên hàng đầu đồng thời là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về Quyền trẻ em và luôn đặt vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em là ưu tiên cao, đặc biệt trong nhiệm kỳ làm ủy viên không thường trực HĐBA.
Họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của HĐBA nhằm xem xét các vấn đề mới nổi hoặc còn ý kiến khác nhau, có thể có sự tham dự của toàn bộ hoặc không toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA và có sự tham dự của các nước thành viên LHQ khác.