Với tiêu đề “Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em: Giới thiệu chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em”, đây được cho là báo cáo toàn diện đầu tiên được thực hiện về rủi ro khí hậu từ góc độ của trẻ em.
Trong bản báo cáo này, các quốc gia được xếp hạng dựa trên nguy cơ rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, chẳng hạn như lốc xoáy, các đợt nắng nóng, cũng như mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước các cú sốc, dựa trên khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em.
Báo cáo được UNICEF thực hiện và phát hành với sự hợp tác của tổ chức “Fridays for Future” nhân dịp kỷ niệm ba năm phong trào biểu tình vì khí hậu toàn cầu do thanh niên lãnh đạo. Báo cáo cho thấy khoảng 1 tỷ trẻ em - gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên toàn thế giới - sống tại 33 quốc gia được phân loại là có “nguy cơ cực kỳ cao”. Các kết quả của báo cáo cho thấy, số lượng trẻ em hiện đang bị ảnh hưởng; các con số có thể trở nên tồi tệ hơn khi tác động của biến đổi khí hậu tăng nhanh.
Báo cáo cũng cho thấy, trẻ em Việt Nam tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và lũ lụt. Báo cáo kêu gọi đầu tư vào hành động bảo vệ khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo lợi ích phát triển và đảm bảo tương lai bền vững cho trẻ em. Ngoài ra, các biện pháp như phục hồi xanh sau dịch COVID-19, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và giáo dục về khí hậu có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc bảo vệ tương lai của trẻ em khỏi tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết “Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em”. “Môi trường sống ở Việt Nam ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em; nhưng nếu hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Đảm bảo tiếp cận mạng lưới an sinh phù hợp và các dịch vụ tăng cường khả năng chống chịu - như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp bảo vệ tương lai của trẻ em.” Ước tính có khoảng 850 triệu trẻ em - tương đương 1/3 trẻ em trên toàn thế giới - sống trong các khu vực có ít nhất bốn trong số những cú sốc về khí hậu và môi trường xảy ra chồng chéo. Có tới 300 triệu trẻ em - tương đương 1/7 trẻ em trên toàn thế giới - sống trong các khu vực có ít nhất năm cú sốc lớn.
Theo Báo cáo, có sự chênh lệch giữa các khu vực phát thải khí nhà kính và các khu vực trẻ em phải chịu những tác động lớn nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Tổng lượng phát thải của ba mươi ba quốc gia có nguy cơ cực kỳ cao chỉ chiếm 9% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Ngược lại, tổng lượng phát thải của 10 quốc gia phát thải cao nhất chiếm tới gần 70% lượng phát thải trên toàn cầu. Chỉ một trong số các quốc gia này được xếp hạng "nguy cơ cực kỳ cao" trong bảng chỉ số.
Bà Lesley Miller cho biết “Những thay đổi đáng sợ về môi trường mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp hành tinh là gây ra bởi một số ít quốc gia, nhưng có rất nhiều quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả”. “Trẻ em Việt Nam lo lắng về những mối đe dọa do biến đổi khí hậu và môi trường xuống cấp đối với tương lai của trẻ em. Các em đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện hành động một cách kiên quyết để giảm phát thải khí nhà kính và tất cả cộng đồng toàn cầu cùng hành động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả trẻ em”.
Theo bà Lesley Miller, nếu chúng ta không khẩn trương thực hiện hành động cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính, trẻ em sẽ tiếp tục phải chịu thiệt hại nhiều nhất. So với người lớn, trẻ em cần nhiều thức ăn và nước uống trên một đơn vị trọng lượng cơ thể hơn, ít có khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, và dễ bị ảnh hưởng hơn bởi hóa chất độc hại, thay đổi nhiệt độ, và bệnh tật…
Với ý nghĩa đó, UNICEF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp, và các bên liên quan: tăng cường đầu tư về khả năng chống chịu, và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các dịch vụ chính cho trẻ em, để bảo vệ trẻ em, cộng đồng và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, các dịch vụ quan trọng phải được tăng cường tính thích ứng, bao gồm hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường, các dịch vụ y tế và giáo dục; giảm phát thải khí nhà kính, để ngăn ngừa các tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu, cần thực hiện hành động toàn diện và khẩn cấp, cắt giảm lượng phát thải ít nhất là 45% (so với mức năm 2010) vào năm 2030, giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C; giáo dục cho trẻ em về khí hậu và trang bị cho các em kỹ năng xanh; thu hút sự tham gia của thanh thiếu niên trong tất cả các cuộc đàm phán và quyết định về khí hậu của quốc gia, trong khu vực và trên toàn cầu, bao gồm cả tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26); và đảm bảo việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 mang tính xanh, hòa nhập, và phát thải ít khí carbon, nhằm không gây tổn hại đến năng lực của các thế hệ tương lai trong việc giải quyết và ứng phó với khủng hoảng khí hậu.