Đoàn đã có cuộc làm việc, tọa đàm khoa học và trao đổi thông tin với các nhà quản lý, các học giả của Tòa Thị chính Ottawa, Hiệp hội các thành phố của Canada, Đại học Carleton, Đại học Ottawa, Học viện Quản trị Canada, Đại học York và Đại học Toronto.
Canada là một quốc gia phát triển, tài nguyên thiên nhiên giàu có, nền kinh tế đứng vào nhóm hàng đầu thế giới, xếp thứ hạng cao về giáo dục, y tế, chỉ số phát triển con người. Canada cũng là một quốc gia đa sắc tộc, đa dạng về văn hoá hàng đầu thế giới.
Cơ chế tổ chức hệ thống chính quyền của Canada cho phép phát huy tối đa quyền tự chủ, sự năng động, năng lực sáng tạo và phát huy tốt nhất động lực phát triển của mỗi địa phương. Đồng thời, cơ chế đó cũng tạo điều kiện cho sự giám sát, kiểm soát lẫn nhau giữa chính quyền liên bang và chính quyền các tỉnh bang, khu vực lãnh thổ, hạn chế đến mức thấp nhất sự lợi dụng quyền lực nhà nước dẫn đến tham nhũng, lãng phí, đảm bảo sự công bằng trong sử dụng ngân sách và các nguồn lực chung của quốc gia.
Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi kinh tế số, Canada cũng đứng trước nhiều thách thức về công tác tổ chức, quản lý nhà nước, hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra, thích ứng với tình hình, cải thiện cuộc sống cho người dân, duy trì sự phát triển bền vững của xã hội.
Nổi bật nhất trong những thay đổi đó là chính sách đổi mới quản trị, xã hội hóa nguồn lực phát triển xã hội, nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính của nhà nước và xã hội cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết các dịch vụ ở các cộng đồng, hỗ trợ khu vực nông thôn, vùng xa xôi, khó khăn về điều kiện tự nhiên, khí hậu.
Chính phủ Canada cũng đã phân bổ một nguồn ngân sách nhằm khuyến khích thu hút nguồn lực, nhất là nguồn vốn trong xã hội vào các dự án phát triển hạ tầng, các dịch vụ công cộng trong các cộng đồng dân cư.
Canada có chương trình xây dựng đô thị thông minh 2.0 nhằm ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ số để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết bốn vấn đề đang đặt ra ở các đô thị là: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và xử lý rác thải.
Trong các cuộc làm việc, tọa đàm khoa học, Đoàn Hội đồng lý luận đã tìm hiểu sâu sắc, cụ thể về tổ chức, cơ chế vận hành, hiệu quả thực tế và những vấn đề đặt ra trong hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp; công tác dự báo, tập hợp, quản lý và phân tích dữ liệu phục vụ xây dựng chính sách; nội dung, điều kiện thực hiện và hiệu quả thực tế của các chính sách đổi mới quản lý phát triển xã hội của Canada, nhất là chính sách đảm bảo nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và bảo vệ, phát triển nền văn hoá đa dạng.
Đoàn cũng trao đổi với các nhà quản lý, các học giả Canada một số vấn đề chung về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển đất nước, quản lý phát triển xã hội, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, về hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác phát triển về mọi mặt với các nước trên thế giới.
Trong thời gian làm việc tại Canada, Đoàn đã đến thăm và trao đổi với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Canada một số vấn đề thời sự trong nước, nhất là tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.