Theo ông Nguyễn Quang Thuấn, hiện nay nghiên cứu từ điển học và bách khoa thư học là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và lâu dài. Với yêu cầu mới của sự phát triển, Viện Từ điển học và Bách khoa thư cần xác định rõ các chức năng và nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển nền kinh tế hội nhập của đất nước. Trong thời gian tới, Viện cần tăng cường các nghiên cứu khoa học thông qua các đề tài đã triển khai cũng như các chương trình, dự án hợp tác quốc tế và địa phương. Trong đó Đề án biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam trong thời gian tới đối với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có tính chất rất quan trọng trong việc tra cứu thông tin.
Đánh giá chặng đường 10 năm nghiên cứu khoa học của Viện, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lại Văn Hùng cho biết: Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Với chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận Từ điển học và Bách khoa thư, tổ chức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, từ điển bách khoa, từ điển chuyên ngành và thuật ngữ, từ điển đa ngữ, các loại từ điển tiếng Việt và từ điển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thực hiện tư vấn và đào tạo về từ điển học và bách khoa thư, tham gia phát triển nguồn nhân lực của cả nước.
Trong những năm qua Viện đã đạt hiệu quả thiết thực trong việc tham mưu triển khai thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Tổ chức, chủ trì, thực hiện các hệ đề tài khoa học các cấp và đạt được kết quả đáng kể. Trong đó có nhiều đề tài cấp bộ, cấp cơ sở và cấp tỉnh. Tiêu biểu như "Từ điển tiếng Việt cỡ lớn", "Nghiên cứu, xây dựng mô hình bách khoa thư địa phương", "Bách khoa về từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam", "Bách khoa thư về cải cách hành chính", "Từ điển Tuyên Quang") và "Từ điển về công tác dân tộc ở Việt Nam"). Các đề tài, nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ đề ra, có chất lượng.
Viện cũng đã tiến hành nhiều hội thảo nghiên cứu khoa học, tiêu biểu Hội thảo Các nhà từ điển học và bách khoa thư trẻ lần thứ 3 và hội thảo Từ điển về công tác dân tộc ở Việt Nam. Trên cơ sở hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin thư viện, nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đã có bài đăng trên nhiều tạp chí khoa học khác nhau, xuất bản nhiều cuốn sách. Công tác thông tin website đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Tiến sĩ Bạch Hồng Việt, Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho rằng, trước nhu cầu tra cứu thông tin ngày càng cao như hiện nay, Từ điển là một dạng công trình tra cứu, nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản và đầy đủ về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, Từ điển kinh tế cung cấp một lượng kiến thức liên ngành khá đồ sộ, từ đơn giản đến phức tạp. Từ điển kinh tế không chỉ giúp ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp, hộ gia đình mà còn tạo môi trường tốt cho các chủ thể sản xuất kinh doanh, giúp họ đưa ra các quyết định đúng và hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Trong phát triển kinh tế và hội nhập, Việt Nam đang đứng trước nhu cầu ngày càng tăng về biên soạn các loại từ điển phục vụ nhu cầu tra cứu và phổ biến kiến thức. Việc biên soạn từ điển bách khoa thư, đặc biệt là biên soạn từ điển kinh tế không chỉ xuất phát từ nhu cầu trước mắt của thị trường mà cần phải có cái nhìn toàn diện và dài hạn. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác biên soạn từ điển thuật ngữ của các chuyên ngành nhằm góp phần chuẩn hóa thuật ngữ của các ngành khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn của từng đối tượng bạn đọc chuyên ngành, từng bước đưa nền khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới.
Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã từng bước trưởng thành với nhiều chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, bộ, địa phương có giá trị. Đến nay Viện xác định công tác nghiên cứu khoa học là một hoạt động chủ đạo, tổ chức và tiến hành triển khai những nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là nghiên cứu lý thuyết về Từ điển học và Bách khoa thư học, tạo tiền đề cho các nghiên cứu sau này.