Cùng đi có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh…
Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng tới thăm, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp là một thiết chế rất đặc thù, là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lĩnh vực hoạt động gắn liền với chức năng lập pháp-chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Vì thế, qua từng thời kỳ, lãnh đạo Quốc hội đều rất quan tâm tới Viện Nghiên cứu lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp có nhiều công việc bộn bề, nhiều việc được giao đột xuất, nhưng Viện đều đã hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Viện đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Các báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp được xây dựng rất công phu, kỹ lưỡng, phục vụ hữu hiệu cho lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, không những trong công tác lập pháp, mà còn phục vụ cả công tác xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết của Trung ương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2022.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; bám sát Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội trong năm 2023, trong đó có nhiệm vụ rất khó, rất quan trọng, như xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp nêu cao tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, sớm triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặt hàng nghiên cứu khoa học từ các chuyên gia về những vấn đề lớn, khó.
“Chúng ta đã có Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Kết luận số 19-KL/TW. Các đồng chí cần rà soát lại 137 nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV, chủ động nghiên cứu, đặt hàng nghiên cứu đề tài khoa học một cách thực chất. Muốn luật khả thi thì phải đưa cuộc sống vào trong luật, sau đó chúng ta mới đưa luật trở lại cuộc sống. Cuộc sống mà không vào trong luật thì luật sẽ không thể vào cuộc sống được, sẽ không thực thi được và chưa làm đã phải sửa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu lập pháp chủ động nghiên cứu về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, trên cơ sở những định hướng quan trọng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, từ đó đưa ra những đề xuất để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, năm qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, có nhiều đóng góp cho hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp tập trung làm tốt một số việc; trong đó sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ từ cấp vụ, cấp phòng cho đến cấp Viện; ngoài nghiên cứu cơ bản cũng phải đi vào pháp luật thực định…