Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cùng với cải cách hành chính, cải cách tư pháp là những nội dung cơ bản, trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong điều kiện mới, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Tại Hội thảo quốc gia thứ ba về những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã phát biểu chỉ đạo: Để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tạo được các đột phá trong ba khâu: Đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế; đột phá trong tổ chức quyền lực nhà nước; đột phá trong cải cách tư pháp. Như vậy, xây dựng và hoàn thiện thể chế được định hướng là khâu đột phá đầu tiên của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bên cạnh việc ghi nhận công tác xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao cũng có đánh giá: Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; từ đó, đặt ra nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế.
Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh có thể thấy, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, đòi hỏi trong Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải dành một dung lượng đủ lớn cho Chiến lược pháp luật, đồng thời phải đề xuất được những giải pháp mang tính đột phá để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.
Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, thực hiện phân công của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Đảng đoàn Quốc hội đã thực hiện rất công phu hai Báo cáo chuyên đề: Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật...; Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là những tài liệu rất quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án nghiên cứu, chắt lọc đưa vào Đề án. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu Báo cáo chuyên đề của các cơ quan và tổng hợp ý kiến đại biểu tại các Hội thảo quốc gia cho thấy, vẫn còn một số vấn đề cụ thể trong đổi mới lập pháp cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về đổi mới quy trình lập pháp; tổ chức, hoạt động của Quốc hội; hoàn thiện pháp luật bầu cử.
Về đổi mới quy trình lập pháp, có ý kiến cho rằng cần tăng tính chủ động của Quốc hội, hạn chế tối đa việc ủy quyền lập pháp, giao nhiều điều khoản cho Chính phủ quy định; đảm bảo luật ban hành có hiệu lực trực tiếp. Trường hợp ủy quyền, cần ghi rõ trong luật phạm vi, nội dung ủy quyền, khắc phục tình trạng quy định chung chung “Chính phủ quy định chi tiết thi hành” khi ủy quyền trong mỗi điều, khoản của luật. Cũng có ý kiến đề nghị phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của Chính phủ trong quy trình lập pháp. Như vậy, việc phân công, phân nhiệm giữa Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng pháp luật cần được điều chỉnh theo hướng nào cho khoa học, từ đó làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức, bộ máy, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ cho phù hợp.
Về vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chuyên đề 11 của Đảng đoàn Quốc hội đề nghị từ nay đến năm 2030: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thiết chế đặc thù, quan trọng trong điều kiện Quốc hội chưa hoạt động thường xuyên, do vậy, giai đoạn này cần tiếp tục phát huy tối đa vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, bao quát, nhạy bén, linh hoạt trước yêu cầu của thực tiễn; có cơ chế phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số báo cáo có tính chuyên môn sâu hoặc ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định một số việc trong thời gian nhất định với điều kiện cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cấp bách, phát sinh đòi hỏi phải có quyết sách nhanh, kịp thời; tăng cường vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong mối quan hệ với cơ quan dân cử các cấp; nghiên cứu tăng số lượng ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách hợp lý... Có ý kiến chuyên gia đề nghị hạn chế tiến tới bỏ việc ủy quyền lập pháp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại Tọa đàm, các ý kiến đã thảo luận, nêu quan điểm về vấn đề này.
Trong đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp...”. Nhiều ý kiến thống nhất cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách của Quốc hội lên để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; tuy nhiên tỷ lệ tăng thì có nhiều mức đề xuất khác nhau.
Về hoàn thiện pháp luật bầu cử nhằm bảo đảm tốt hơn quyền bầu của của nhân dân và nâng cao chất lượng đại biểu dân cử là nội dung được các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án và nhiều chuyên gia, nhà khoa học về nhà nước pháp quyền quan tâm vì đây cũng là một trong
những yêu cầu quan trọng phản ánh bản chất dân chủ của nhà nước.
Một số cơ quan và chuyên gia đề xuất một số giải pháp cụ thể: Đổi mới căn bản công tác hiệp thương, thiết kế đơn vị bầu cử, ứng cử viên trong một đơn vị bầu cử rút ngắn thời gian từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đến bầu cử và tổ chức kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới; thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia chuyên trách theo Hiến pháp năm 2013; thực hiện 100% đại biểu dân cử ở Trung ương và địa phương không kiêm nhiệm các chức vụ trong cơ quan hành pháp và tư pháp của nhà nước... Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ thêm vấn đề này.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, qua thảo luận, về lập pháp, các ý kiến khẳng định nhân dân là chủ thể tối thượng quyền lập Hiến và lập pháp nhưng trong tiễn, chưa thể hiện đầy đủ quyền này của nhân dân, nhất là quyền đề xuất sáng kiến xây dựng luật của công dân, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân... Cần nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật; ủy quyền lập pháp và phân quyền, kể cả cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ và chính quyền địa phương nên hạn chế, tiến tới tới bỏ việc ủy quyền lập pháp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hạn chế phạm vi ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và địa phương... Nhiều ý kiến cho rằng phạm vi của một dự án luật nên hẹp để dễ thảo luận sâu; đề xuất bỏ chương trình xây dựng Luật của Quốc hội nhưng Chính phủ cần có chương trình xây dựng luật để tăng tính chủ động; tiếp tục đổi mới quy định lập pháp, phân định rõ quy định lập pháp với quy định lập quy; xác định rõ mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành...
Về tổ chức của Quốc hội, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức Quốc hội; quyết định nhất trong hoạt động của Quốc hội là đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Quốc hội phải hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp; cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, có cơ chế đánh giá đại biểu Quốc hội; tăng vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động thường xuyên kể cả trước, trong và sau kỳ họp; xây dựng quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...
Về bầu cử các ý kiến đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ quyền bầu cử của công dân trong đó có quyền giới thiệu ứng cử viên, quyền tự ứng cử, quyền lựa chọn, quyền bỏ phiếu...; đổi mới cơ cấu và tiêu chuẩn của đại biểu dân cử; đổi mới mạnh mẽ việc hiệp thương giới thiệu ứng cử viên; có cơ chế vận động bầu cử và cơ chế cung cấp thông tin về từng ứng cử viên; nâng cao vai trò của Hội đồng bầu cử Quốc gia...