Cựu chiến binh Lương Hồng Thái nhập ngũ năm 1966, lúc đó ông tròn 20 tuổi. Năm 1967 - năm cuối Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, đơn vị ông được lệnh hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Chặng đường hành quân từ Bắc vào Nam kéo dài 3 tháng, gặp nhiều gian nan, vất vả. Khó khăn nhất trong lúc hành quân là đơn vị luôn phải đối mặt với loạt bom B52 của Mỹ đánh phủ đầu. Trong đó, ác liệt nhất là trận đánh bom phủ đầu của Mỹ tại Khu IV, nhiều đồng đội của ông Thái đã hy sinh.
Đơn vị ông đến Tây Nguyên vào tháng 5/1967, lúc này ở Kon Tum đang là mùa mưa. Ông Thái nhớ lại, mỗi ngày, anh em trong đơn vị được chia một lon gạo mốc, mang xuống suối vo, vo xong có khi chỉ còn lại một nắm. Cả mùa mưa, anh em chỉ mặc một bộ quần áo cộc. Đó là thời kì “mưa dầm, cơm vắt” mà đến bây giờ ông vẫn không thể nào quên. Khi đến Tây Nguyên, ông cùng đồng đội tại Đại đội 21, Tiểu đoàn 37 (Tiểu đoàn đặc công Sư 10, Quân đoàn 3) ráo riết chuẩn bị cho trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh.
Trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh, ông Thái không trực tiếp tham gia, mà lùi về hậu phương để hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc thương binh. Ông cho biết: Trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh, ta tiêu diệt gần hết Sư đoàn 42 của Ngụy, giải phóng thị xã Tân Cảnh. Tuy nhiên, sau trận đánh đó, bệnh viện dã chiến tiếp nhận nhiều thương binh, vừa chăm sóc những người bị thương, ông vừa dò la tin tức bạn bè.
Cũng trong năm 1967, đơn vị ông được lệnh tập kích Đồn Ninh Đức (Gia Lai). Đồn Ninh Đức án ngữ phía Bắc tỉnh Gia Lai, để tiến sâu vào các chiến trường khác, quân ta bắt buộc phải phá tan đồn địch. Trận đánh này, ông được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ đặc công gồm ba đồng chí. Mỗi người được trang bị một túi thuốc nổ, 1 dao găm, thủ pháo, lựu đạn và 2 băng bạn buộc chéo. Tổ có nhiệm vụ hỗ trợ đội chủ lực tiêu diệt toàn bộ lính Ngụy tại đồn Ninh Đức và phải hoàn thành nhiệm vụ thật nhanh. Khi đã vào đến địa điểm, ông cùng đồng đội chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hơn 30 tên địch, giải phóng đồn Ninh Đức.
Năm 1968, ông Thái đang hành quân trên đường 14 để tiếp tục những trận đánh khác thì bị địch phục kích và bắn bị thương. Ông được lệnh lùi về hậu phương, sau đó trở về Vĩnh Phú chữa trị.
Năm 1970, ông Thái về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (năm 1972), ông Thái được giao làm Khẩu đội trưởng (Đại đội 5, Trung đoàn 254, trực thuộc Quân khu Việt Bắc), đến huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, để bảo vệ thủy điện Thác Bà và sân bay Yên Bái.
Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ phía Bắc Hà Nội, Trung đoàn của ông Thái luôn sẵn sàng tác chiến bất kể ngày đêm. Ông nhớ lại: Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đêm nào cũng báo động đến 14, 15 lần. Mỗi lần báo động, chúng tôi phải chạy thật nhanh ra ụ pháo để sẵn sàng chiến đấu.
Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Đại đội 5 của ông Thái đã đánh rơi 1 máy bay F11 và một máy bay F4 của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kết thúc, Mỹ chịu ngồi bàn đàm phán và ký Hiệp định Pari (tháng 1/1973). Lúc này, lực lượng pháo phòng không ở miền Bắc đã giảm bớt áp lực chiến tranh.
Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, ông Thái phục viên trở về sinh sống tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Ông Bế Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, cho biết: Bước ra từ cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, trở về địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ông Thái luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các mô hình kinh tế, các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi tại địa phương.
Với những đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thái vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III.