Người dân vùng Xuân Thới Đông luôn một lòng theo Đảng, bảo vệ Đảng trong những năm tháng Nam Kỳ Khởi nghĩa và trong giai đoạn hiện nay lại chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng đời sống mới, phát triển kinh tế, xã hội.
Sáng mãi tấm lòng của người Dân với Đảng
Trên vùng đất Hóc Môn anh hùng, hiện có rất nhiều ngôi nhà được gắn "Địa chỉ đỏ", là nơi nuôi giấu, hoạt động của lãnh đạo Đảng, một số cơ quan trong các thời kỳ của cách mạng. Trong đó, nơi Hội nghị Trung ương Đảng quyết định ban bố lệnh Nam Kỳ Khởi nghĩa tháng 11/1940 được công nhận là "Nhà di tích lịch sử Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9 năm 1940".
Ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Xuân Thới Đông, người đã hơn 20 năm làm Quản lý Nhà di tích lịch sử, giới thiệu từng chi tiết trong Nhà di tích với sự tự hào của một người con Hóc Môn. Nhà di tích hiện nay được xây dựng lại tại căn nhà ba gian được gia đình bà Nguyễn Thị Hương hiến tặng (hiện nay là số 20 đường Trần Văn Mười, ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn). Dù lối vào nằm ở mặt tiền đường Trần Văn Mười, nhưng Nhà di tích nằm khuất phía sau, giữa các hàng cau đặc trưng của vùng đất Mười Tám Thôn Vườn Trầu, lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật về một thời đấu tranh gian khổ và oai hùng của dân tộc ta từ những ngày đầu cách mạng.
Ngoài tượng Bác Hồ, Nhà di tích còn có tượng các đồng chí Võ Văn Tần, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn; các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Mười, Nguyễn Văn Một…; mô hình sa bàn Mười Tám Thôn Vườn Trầu; mô hình căn nhà ba gian bằng gỗ, nơi Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức Hội nghị quyết định khởi nghĩa tháng 11/1940. Cùng với đó là những hình ảnh tư liệu về các "địa chỉ đỏ" trong vùng, nơi nuôi giấu, che chở cho các chiến sĩ cách mạng năm xưa.
Việc lựa chọn địa điểm này tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng năm xưa, ông Phạm Văn Thọ, Quản lý Nhà di tích cho biết, theo sử liệu ghi lại, khu vực ngôi nhà gia đình bà Nguyễn Thị Hương ít người đi lại, gần sát rừng, cây rậm rạp có thể rút lui khi địch phát hiện. Ngoài ra để chuẩn bị cho cuộc họp, chi bộ địa phương đã tổ chức nhiều hầm bí mật xung quanh để cán bộ dự họp ẩn nấp.
Giới thiệu các hiện vật được trưng bày, ông Phạm Văn Thọ cho biết, hiện vật không còn nhiều, nhưng rất có ý nghĩa, đó là chiếc trống, mõ Nam Lân và tù và. Đây là những hiện vật để báo động khi cần thiết lúc Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ diễn ra. Hiện nay, nơi đây không chỉ là địa điểm tổ chức lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ, mà còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho giới trẻ.
"Nhiều đoàn thể, cá nhân từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên tổ chức các chuyến về nguồn tại đây. Đặc biệt trong những dịp hè, các trường học tại Thành phố thường tổ chức các buổi sinh hoạt hè tại đây, để khơi gợi truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn cho học sinh. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, bồi đắp tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ thành phố", ông Phạm Văn Thọ chia sẻ.
Với những người cao tuổi như ông Phạm Văn Thọ, những giá trị lịch sử của địa phương, là tài sản tinh thần vô giá của quá khứ cách mạng, nền tảng cho những phát triển sau này. Ông Phạm Văn Thọ cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Thới Đông trân trọng, ghi nhớ lịch sử, các chiến sỹ và đồng bào đã làm nên những trang sử vẻ vang, oanh liệt tại nơi đã là ngòi pháo phát động lệnh Tổng khởi nghĩa ngày 23/11/1940, để rồi sau đó lan rộng ra khắc các tỉnh Nam Bộ. Đặc biệt, nơi đây cũng chính là nơi ban hành quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa- lá cờ chiến thắng thấm đẫm những giọt máu của những người anh hùng cách mạng nay đã trở thành quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam
Vươn lên với quá khứ cách mạng hào hùng
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của xã Tân Xuân Anh hùng, xã Xuân Thời Đông (tách ra từ xã Tân Xuân) luôn nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Cuối tháng 9/2019, xã đã hoàn thành cơ bản 19/19 chỉ tiêu nông thôn mới và được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019.
Dù ở vùng ven Thành phố, nhưng hiện nay 100% hộ dân trong xã đã được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2019, toàn xã có 6/6 ấp đạt chuẩn văn hóa, 98,21% gia đình văn hóa; 98% hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục… thể hiện được nét đẹp truyền thống của vùng quê Mười Tám Thôn Vườn Trầu lừng danh năm xưa.
Kết quả khảo sát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn mới của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2020, toàn xã có 58 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo. Xã đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo; trong năm đã đưa ra khỏi chương trình 26 hộ nghèo và 50 hộ cận nghèo. Trong năm 2019, xã đã giới thiệu 219 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác ngân hàng Chính sách và 57 hộ vay với số tiền 1,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn), trong những năm qua, cán bộ, chính quyền xã không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân địa phương trong giải quyết hồ sơ hành chính. UBND xã đã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân, tổ chức, tránh xảy ra hồ sơ trễ hạn do xã chậm giải quyết. Trong năm vừa qua, UBND xã không có hồ sơ hành chính được giải quyết trễ hạn, kết quả đánh giá sự hài lòng của khách hàng có 274/274 phiếu hài lòng, đạt 100%.
Là một địa phương vùng ven có tốc độ đô thị hóa cao, UBND xã Xuân Thới Đông luôn nỗ lực thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các đồ án quy hoạch, bộ thủ tục hành chính, kế hoạch vốn đầu tư, quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành… Theo ông Huỳnh Văn Thuận, điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức trong thực thi công vụ, giám sát việc trả lời kiến nghị của HĐND, UBND xã đối với ý kiến cử tri và những kiến nghị do nhân dân phản ánh; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, đem lại lòng tin cho nhân dân.
Từ vùng đất quê hương Anh hùng Tân Xuân, xã Xuân Thới Đông được tách ra từ năm 2003 và hôm nay, "khí chất" cách mạng vẫn luôn hiển hiện trong đời sống vùng đất cách mạng này. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, người dân Xuân Thới Đông đã hết mình bảo vệ Đảng; và trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền xã đang ra sức đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, hết lòng phục vụ nhân dân, mang lại đời sống ấm no cho người dân trên vùng đất cách mạng anh hùng.