Báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh tương đối đa dạng, có tính kết nối, liên hoàn, nhiều đầu mối giao thông quan trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11.033 tuyến giao thông đường bộ với tổng chiều dài 8.480 km. Trong đó có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan với chiều dài 127km; 4 tuyến quốc lộ qua địa bàn với tổng chiều dài hơn 485 km gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 49, Quốc lộ 49B, đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) chạy dọc tuyến biên giới.
Tổng diện tích đất giao thông toàn tỉnh đạt khoảng 11.507 ha, chiếm hơn 2% diện tích tự nhiên của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông được chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương báo cáo về hệ thống hạ tầng đường bộ, tình hình an toàn giao thông và những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Liên quan đến những bất cập trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, đây là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch quốc gia, phương tiện 63 tỉnh, thành phố lưu thông Bắc-Nam đều qua đây, khác rất nhiều với các cao tốc trong nội tỉnh, giữa 2 hay 3 tỉnh. Vì vậy, Trung ương cần sớm đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch xứng tầm là trục giao thông huyết mạch quốc gia, trước mắt cần đầu tư xây dựng 4 làn xe, có dải phân cách cứng, có làn dừng khẩn cấp; đầu tư đồng bộ các thiết chế quản lý cao tốc như: camera giám sát tốc độ, điện chiếu sáng, sóng viễn thông…
Đối với những vướng mắc, bất cập trong tổ chức đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ thuộc địa phương quản lý; việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong đầu tư, xây dựng, quản lý hệ thống đường bộ thuộc trung ương quản lý, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương có cơ chế phân bổ nguồn để đầu tư các đoạn đường kết nối liên hoàn giữa cao tốc với Quốc lộ 1 để tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận lên xuống cao tốc, tăng hiệu quả đầu tư của dự án; hỗ trợ giải quyết được kịch bản ùn tắc giao thông trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
UBND tỉnh đã có nhiều góp ý về dự thảo Luật Đường bộ liên quan đến giải thích từ ngữ tại Điều 3. Tại Điều 6 về nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cần xác định rõ loại hình đầu tư (ví dụ BT, BOT,..), hình thành các quỹ đầu tư hạ tầng giao thông; về phát triển phương tiện giao thông đồng bộ, đặc biệt là giao thông công cộng, cần nhấn mạnh việc xã hội hóa đầu tư.
Đối với đầu tư xây dựng công trình đường bộ tại Điều 28, cần có điều, khoản về giải phóng mặt bằng; nghiên cứu cho phép các thiết chế khác tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng (ví dụ như doanh nghiệp tư nhân), hình thành đơn vị tư vấn về giải phóng mặt bằng (như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án... trong các dự án) để huy động lực lượng xã hội tham gia mới mạnh, nhanh được; Nhà nước đóng vai trò thẩm định, phê duyệt.
Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất cao đồng thời kiến nghị hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật; nhất là các quy định về hành vi bị nghiêm cấm, bảo vệ trẻ em tham gia giao thông đường bộ, đấu giá biển số, phân hạng giấy phép lái xe, điểm cấp giấy phép lái xe, quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông...
Kết luận buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Minh Đức đánh giá cao công tác đảm bảo trật tự an giao thông của tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua và ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh cho buổi làm việc. Những ý kiến đóng góp và kiến nghị của địa phương rất xác đáng, sát với thực tiễn, Đoàn công tác ghi nhận và tiếp thu để nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.