Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh): Mong muốn giải quyết được những vướng mắc của thực tiễn
Tôi cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu.
Tôi rất đồng tình ủng hộ với quan điểm một luật sửa 4 luật trên. Bởi đây là những lĩnh vực còn nhiều điểm nghẽn khi các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Việc sửa luật lần này sẽ luật hóa nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra; trong đó điều mà tôi ấn tượng là việc phân cấp, ủy quyền rất mạnh cho các địa phương, cũng như các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Tôi quan tâm nhiều tới Luật Đấu thầu; trong đó có nội dung đấu thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 29 tại Điểm đ, Khoản 1 về vấn đề chọn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia các giải quyết các tranh chấp quốc tế. Dự thảo luật có bổ sung một điểm mới liên quan đến hoạt động này, đó là mở rộng hơn phạm vi cho việc lựa chọn luật sư.
Trước hết, tôi ủng hộ việc bổ sung này. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc bổ sung này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Ví dụ như hiện nay có quy định lựa chọn luật sư để giải quyết các tranh chấp quốc tế tại các cơ quan tài phán quốc tế và nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn có những trường hợp cơ quan tài phán của Việt Nam nhưng mang tầm quốc tế, khi có tranh chấp, các nhà đầu tư bên phía Việt Nam chọn cơ quan quan tài phán này lại chưa có cơ sở để áp dụng việc chọn luật sư trong trường hợp đặc biệt. Tôi rất mong muốn việc sửa luật nên cập nhật hết những khó khăn hiện nay để đảm bảo khi luật ban hành sẽ giải quyết được những vướng mắc của thực tiễn.
Tôi cho rằng, việc Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến dự án 1 luật sửa 4 luật ngành đầu tư, hay 1 luật sửa 7 luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thể hiện rằng Quốc hội rất quan tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc thực tiễn hiện nay nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Nhưng với góc độ của người làm công tác xây dựng thể chế, tôi thấy với thời gian trong một kỳ họp liệu có đánh giá đầy đủ các tác động hay không, đó là điều mà tôi băn khoăn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Thu hồi, chấm dứt hoạt động của các dự án kéo dài
Về nội dung sửa luật lần này, tôi rất đồng tình với vấn đề liên quan đến việc sẽ đẩy mạnh thu hồi, chấm dứt hoạt động của các dự án kéo dài. Nhưng điều quan trọng nhất là khi thu hồi thì ban đánh giá, hội đồng đánh giá thu hồi phải lưu ý đến có những nguyên nhân bất khả kháng.
Hiện nay, có những dự án đang triển khai được 50 - 60% nếu thu hồi lại, giá đền bù, hoàn lại cho nhà đầu tư cũng là vấn đề khó khăn. Cho nên việc thu hồi cần làm sớm, ưu tiên thu hồi trước những dự án trống, để hoang phí. Còn những dự án đang xây dựng dở dang, không đảm bảo tiến độ sẽ thực hiện thu hồi sau.
Phần lớn trong nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là những tổng kết các nghị quyết, cơ chế chính sách đặc thù các địa phương để luật hóa.
Về nội dung áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí đủ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án đối tác công tư theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50%, giao cho Thủ tướng Chính phủ, hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư dự án. Như vậy, hợp tác công tư nhưng vốn nhà nước được nâng lên 70%, do đó phải giới hạn và nâng tầm quan trọng của dự án đó. Tôi đề nghị có những quy định, hướng dẫn chi tiết áp dụng với những dự án như vậy.