Quan tâm đến xu thế phát triển báo chí
Cử tri Trần Vũ Phương, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh cho rằng, việc tổ chức tường thuật trực tiếp phiên thảo luận rất cần thiết, giúp cử tri cả nước có thể theo dõi và hiểu rõ những bàn luận của Quốc hội về các vấn đề nóng liên quan đến quốc kế dân sinh. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phiên thảo luận diễn ra chất lượng. Cách phân bổ thời gian của chủ tọa giúp đại biểu nêu ý kiến ngắn gọn, súc tích.
Các ý kiến của đại biểu đều thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và xây dựng, hiểu biết sâu các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, được tổng hợp, đúc kết từ ý chí, nguyện vọng của cử tri ở khắp các địa phương trong cả nước gửi đến diễn đàn Quốc hội. Các thành viên Chính phủ nắm chắc tình hình, thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình.
Tán thành cao ý kiến của bà Trần Thị Thanh Hương (Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đề cập đến những khó khăn vướng mắc về cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí, ông Trần Vũ Phương cho rằng, đây là thực trạng chung của các cơ quan báo chí hiện nay. Sự phát triển của công nghệ số, truyền thông xã hội khiến doanh thu các cơ quan báo chí bị sụt giảm, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Để báo chí Việt Nam phát triển phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, Trung ương cần sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản liên quan quy định về định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan báo chí; chế độ nhuận bút phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại hình báo chí và xu thế phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện cuộc cách mạng xanh
Cử tri Quảng Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đồng tình cao với các ý kiến của đại biểu đề xuất giải pháp, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục tình trạng hạn, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực. Ý kiến của ông Trần Hoàng Ngân (Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) và bà Nguyễn Thị Lan (Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” rất xác đáng. Đây là Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; đồng thời, giúp nông dân đạt lợi nhuận kép từ bán sản phẩm nông nghiệp và bán tín chỉ carbon.
Thực hiện cuộc cách mạng xanh toàn cầu và thực hiện cam kết về phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật về giảm phát thải khí nhà kính và thuế carbon. Vì vậy, nếu chúng ta sản xuất nông sản xuất khẩu không gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì sẽ bị tính thêm thuế carbon.
Tại Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 2 mô hình điểm (50 ha/mô hình) canh tác theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Quảng Thanh Tú, trước mắt, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt với 12/13 tỉnh, thành phố tham gia Đề án, đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng, những lợi ích khi tham gia Đề án, đồng thời hướng dẫn và cung cấp các kiến thức cần thiết cho nông dân. Hiện nay, nông dân Trà Vinh vẫn còn khá “mơ hồ” với các kiến thức về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường tín chỉ carbon…