Tại Lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dâng hương, đặt tràng hoa tưởng niệm tại tượng đài, mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công đức của Anh hùng dân tộc Trương Định đối với quê hương, đất nước.
Anh hùng dân tộc Trương Định quê ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ông về Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lập nghiệp, khai hoang, lập đồn điền. Khi quân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ. Ông được suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái. Trong lúc đóng quân ở căn cứ "đám lá tối trời" Gò Công chờ thời cơ đánh giặc thì một tên tay sai của thực dân Pháp bất ngờ dẫn quân tấn công và bắn ông trọng thương. Trương Ðịnh đã rút gươm tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc.
Cảm phục trước tinh thần bất khuất của Trương Định, nhân dân khu vực Gò Công, tỉnh Tiền Giang lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ Trương Định. Lễ giỗ được duy trì thường xuyên tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là nơi ông tuẫn tiết và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là nơi xây dựng tượng đài và đền thờ Trương Định
Năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ giỗ Trương Định (thị xã Gò Công) là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ giỗ Trương Định là lễ hội lớn tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang được tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm. Di tích "Ao Dinh" nằm ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) là nơi Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết đã trở thành Di tích cấp quốc gia và được nhiều người dân viếng thăm.