Từ ngày 25/11, cơ quan chuyên môn cấp huyện có không quá 2 phó trưởng phòng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Nghị định, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (Trưởng phòng), là Ủy viên UBND cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu, do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên UBND cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của UBND cấp huyện.

Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện và sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện khi được yêu cầu; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nghị định quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 2 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 3 người.

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện như: phòng Nội vụ, phòng Tư pháp, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Y tế, Thanh tra huyện, Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND, phòng Kinh tế, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Dân tộc.

Cụ thể, Nghị định quy định phòng Nội vụ có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua - khen thưởng.

Phòng Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Đất đai, tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo; đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu.

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

TTXVN/Báo Tin tức
Tinh gọn bộ máy - Cuộc cách mạng lớn của ngành Công an
Tinh gọn bộ máy - Cuộc cách mạng lớn của ngành Công an

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn của báo Tin tức, đánh giá về kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy ngành Công an.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN