Bộ Công Thương đề xuất cần có hướng dẫn thống nhất về tổ chức, bộ máy chuyên trách

Bộ Công Thương đề xuất Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn thống nhất về tổ chức, bộ máy chuyên trách làm cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Chiều 6/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết cải cách hành chính Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Trưởng ban Cải cách Hành chính của Chính phủ chỉ đạo Hội nghị.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Cải cách hành chính Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2020 được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ cắt giảm 5 đầu mối thuộc Bộ, giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị; đặc biệt đã sắp xếp giảm được 74 Phòng thuộc Vụ/Cục.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ điện tử.

Cùng với đó, Bộ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực, đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến tại cổng thông tin điện tử của Bộ.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những Bộ tiên phong tích hợp dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp chế độ báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; tích cực tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Những kết quả nêu trên của Bộ Công Thương góp phần tích cực vào xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp” đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho hay: Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã ban hành rất nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin  và Chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh việc triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ; trong đó điểm nổi bật là công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Theo thống kê, đến thời điểm này, tất cả 295/295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 206 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 và đang được triển khai tại Bộ Công Thương.

Cùng với đó, đã có hơn 33.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Điển hình là năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 1.540.792 bộ hồ sơ điện tử qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó số lượng hồ sơ trực tuyến được gửi qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.314.217; hồ sơ được gửi qua  mức độ 4 là 225.465; tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Bộ Công Thương hiện đã kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW).Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2020 là 97.225 hồ sơ.

Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 8 nước, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và các đại biểu tham quan bộ phận một cửa, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O của Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 69.625 hồ sơ 8 nước. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng ban Cải cách Hành chính của Chính phủ để triển khai các kế hoạch, chương trình cải cách thủ tục hành chính toàn diện ở tất cả các lĩnh vực như cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; hiện đại hóa hành chính.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ về nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, chế độ, chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế để đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thu hút cán bộ có năng lực, cũng như kịp thời động viên cán bộ chuyên trách, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Mặt khác, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn thống nhất về tổ chức, bộ máy chuyên trách làm cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính sách thu hút người có tài, tâm huyết vào công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và trực tiếp tham gia cải cách hành chính nói riêng để đẩy mạnh chất lượng trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến tại các Bộ, ngành, Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền và có giải pháp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia, đảm bảo hiệu quả cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ, ngành Công Thương, tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Công Thương.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính của Bộ Công Thương và mong rằng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị, nhiều đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đã vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Uyên Hương (TTXVN)
Tăng cường cải cách hành chính, kiểm soát nội bộ từ ‘tiền kiểm sang hậu kiểm’
Tăng cường cải cách hành chính, kiểm soát nội bộ từ ‘tiền kiểm sang hậu kiểm’

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chiều 28/5 về việc xử lý những cán bộ sai phạm tại cơ quan thuế, hải quan của tỉnh Bắc Ninh liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Tenma Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thay vì xử lý sự vụ, ngành Tài chính đã có biện pháp kiểm soát nội bộ trong ngành Thuế, Hải quan, tránh hiện tượng tiêu cực như ở Bắc Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN