Theo kết quả công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt điểm cao nhất 95,4/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ nhất. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, cải cách hành chính là cơ hội, yêu cầu tất yếu để từng hệ thống tổ chức tín dụng phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ, sức cạnh tranh với các ngân hàng trên thế giới.
Đổi mới phương thức phục vụ của ngành ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải thiện rõ nét môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, quan điểm về cải cách trong 10 năm tới sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, ngành tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình cải cách hành chính hiện nay.