Giải Búa liềm vàng lần thứ V năm 2020 được phát động trong thời điểm cả nước bước vào Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và đất nước. Báo chí cả nước đã vào cuộc hưởng ứng Giải thưởng này với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết.
Theo nhà báo Lê Trí Dũng, Trưởng Ban biên tập Ảnh (TTXVN), năm 2020, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, từng bước ổn định kinh tế, xã hội. Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước đến các địa phương và sự đồng lòng của người dân. Việt Nam đã nhanh chóng kích hoạt các hệ thống đáp ứng nhanh trên toàn quốc, phát hiện và cách ly kịp thời các ca mắc và nghi mắc, tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt dập dịch. Việc chia sẻ thông tin minh bạch đã giúp người dân hiểu rõ, chấp hành các quy định và đồng lòng chặn đứng đà lây lan của SARS-CoV-2.
Vượt qua những nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 rất cao, các phóng viên TTXVN, trong đó có phóng viên Ban biên tập Ảnh đã “căng mình” theo sát sự kiện suốt hơn một năm qua và thành quả là đã có hàng ngàn tác phẩm ảnh phản ánh vấn đề thời sự mà cả thế giới quan tâm. Nội dùng tác phẩm mà nhóm tác giả đề cập đã thể hiện quan điểm của Việt Nam là "cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng lòng chống dịch". Dưới sự chỉ đạo kịp thời của người đứng đầu Đảng, Nhà nước là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và sự lãnh đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các cấp ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hiệu quả và liên tiếp thành công. Vì vậy công tác biên tập nhóm ảnh cần có tính thống nhất và thể hiện rõ ý tưởng đó.
Nhóm ảnh đoạt giải A Giải Búa liềm vàng lần thứ V năm 2020 chỉ là số ít trong hàng ngàn tác phẩm mà các phóng viên TTXVN đã chụp, thể hiện phần nào khối lượng công việc vất vả mà phóng viên ảnh phải thực hiện, nhằm đảm bảo tuyến thông tin phòng, chống dịch được thông suốt. Đó là từ các hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đến những hoạt động cách ly, đưa người dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước, xét nghiệm và nghiên cứu, thử nghiệm vaccine… Từ khi dịch bùng phát, trong suốt hơn 1 năm, các phóng viên ảnh TTXVN luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường khi có sự kiện đột xuất, cách ly xa gia đình sau mỗi lần tác nghiệp trở về.
Phóng viên Minh Quyết chia sẻ: Khi tác nghiệp tại các khu cách ly, phóng viên phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của nhân viên y tế để bảo đảm an toàn. “Những ngày hè nóng bức, chúng tôi phải mặc bộ bảo hộ kín từ đầu đến chân khiến mồ hôi vã ra như tắm, ướt cả bộ quần áo đang mặc. Những lần thực hiện nhiệm vụ trở về, các phóng viên đã nêu cao ý thức tự cách ly với gia đình và đồng nghiệp”, anh Minh Quyết cho biết.
Là thành viên tích cực trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, TTXVN đã triển khai đồng bộ các tuyến thông tin; mỗi phóng viên TTXVN luôn chủ động phương án phòng chống dịch và sẵn sàng lên đường tác nghiệp tại các điểm nóng của dịch khi có yêu cầu. Qua đó bảo vệ an toàn cho gia đình và cộng đồng. Một trong những hoạt động quan trọng của tuyến thông tin này là việc Việt Nam đưa công dân là những cán bộ, du học sinh, người lao động... đang mắc kẹt tại Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.
Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện “giải cứu” những công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước ngày 10/2/2020 nhằm tránh dịch COVID-19 lây nhiễm. Nhận sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, nhóm công tác của TTXVN gồm phóng viên Ban biên tập Ảnh, Trung tâm Truyền hình Thông tấn và lái xe Văn phòng được giao nhiệm vụ đưa tin đón công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch COVID-19 ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về nước tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Chuyến công tác đã để lại những trải nghiệm đáng nhớ và những kỷ niệm nghề không thể quên với các phóng viên TTXVN.
Đối với phóng viên ảnh TTXVN, mỗi lần được giao nhiệm vụ mới đều đón nhận một cách hồ hởi. Tuy nhiên, việc đi gặp và tiếp cận với “cô vy” (COVID-19) khiến nhiều phóng viên băn khoăn. Nhưng những suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua trong chốc lát. Nhận thức được trách nhiệm của mình, các phóng viên TTXVN tìm cách động viên nhau để làm dịu bớt lo lắng.
Bên cạnh tác phẩm “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch COVID-19” của nhóm tác giả Ban Biên tập Ảnh đạt Giải A Giải Búa liềm vàng lần thứ V năm 2020, TTXVN còn giành 1 giải B của nhóm tác giả Minh Quyết, Thành Đạt, Vũ Sinh (Ban Biên tập Ảnh) và 1 giải Khuyến khích của tác giả Cao Thị Thùy Giang (Báo VietnamPlus).
Theo phóng viên Dương Giang, kế hoạch đón công dân Việt Nam tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 10/2/2020 đã được thông báo trước, nhưng nhóm phóng viên đã lên đường từ trước đó để khảo sát vị trí, lên phương án tác nghiệp đồng thời tìm hiểu các chủ đề tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch tại Quảng Ninh. Dù thời gian dự kiến bị thay đổi từng giờ, nhưng với quyết tâm cao, nhóm phóng viên TTXVN đã có mặt tại sân bay Vân Đồn trước đó nhiều giờ.
Dự đoán được những nguy hiểm khi tác nghiệp bởi dịch bệnh có thể lây chéo nên nhóm phóng viên đã được trang bị bảo hộ chuyên dụng, khẩu trang, găng tay cao su, ủng, kính… Nhân viên y tế tại hiện trường hướng dẫn cẩn thận cách sử dụng trang thiết bị nên nhóm phóng viên yên tâm tác nghiệp. “Tất cả thành viên tham gia, từ nhân viên y tế đến nhân viên khu vực bãi đỗ sân bay, cảng vụ, an ninh, ban chỉ huy hiện trường… đều trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Những người quen biết mới có thể nhận ra nhau qua giọng nói và hình dáng”, phóng viên Dương Giang cho biết.
Sau thời gian chờ đợi, hơn 5 giờ sáng 10/2, máy bay mang số hiệu HVN 68 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chở 48 người gồm 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán (Trung Quốc) và 15 người trong phi hành đoàn cùng ba nhân viên y tế đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Tất cả đều trong trang phục bảo hộ kín. Các công dân được thay trang phục bảo hộ mới, bộ bảo hộ cũ sử dụng từ trước khi lên máy bay được tiêu hủy. Nhìn qua ống kính, các phóng viên TTXVN thấy được sự thận trọng của những người làm nhiệm vụ và cũng thấy được niềm vui, sự phấn khởi của các công dân qua ánh mắt, cử chỉ khi về đến Việt Nam. Trên đây chỉ là một trong hàng ngàn tâm dịch mà các phóng viên TTXVN đến và tác nghiệp, trong đó có các phóng viên ảnh của Ban biên tập Ảnh (TTXVN).
Video Nhà báo Nhan Hữu Sáng, Phó trưởng Ban biên tập Ảnh (TTXVN) chia sẻ về những dự định trong năm 2021:
Nhà báo Nhan Hữu Sáng, Phó trưởng Ban biên tập Ảnh cho biết: Thời gian qua, ngoài việc tập trung phản ánh, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, các phóng viên ảnh của TTXVN còn tích cực đưa tin các sự kiện quan trọng của đất nước như: Tuyên truyền năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020; Năm Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á 2020 (Chủ tịch AIPA 2020) và Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông - Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41); Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
Có thể nói năm 2020 phóng viên ảnh của TTXVN đã gặt hái nhiều thành công, trong đó đã đạt nhiều giải báo chí do TTXVN phát động và các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương tổ chức. Nhưng đặc biệt hơn cả là nhóm phóng viên Ban biên tập Ảnh (TTXVN) đã giành giải A, Giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ V năm 2020. Đây là động lực to lớn để các phóng viên Ban Biên tập Ảnh nói riêng và phóng viên TTXVN tiếp tục phấn đấu, ra sức cống hiến trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Hy vọng thành tích đã đạt được trong Giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020 như một “luồng sinh khí” giúp các phóng viên, biên tập viên TTXVN thêm nhiệt huyết và tinh thần, góp phần vào việc tuyên truyền về sự thành công của đất nước trong năm 2021.