Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã báo cáo về kết quả công tác năm 2018, nhiệm vụ năm 2019. Cụ thể: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 9,6%, đạt 103,5% kế hoạch. GRDP bình quân đầu người đạt 57,8 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu đạt 540 triệu USD (vượt 20% kế hoạch), thu ngân sách đạt 20.103 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 9,57%, giảm 1,59%. Trong năm, toàn tỉnh cấp phép đầu tư cho 133 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 31.883 tỷ đồng. Về sắp xếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, lĩnh vực y tế giảm 20 đơn vị, giáo dục giảm 16 đơn vị, văn hóa giảm 3 đơn vị... Một số tồn tại cần tập trung khắc phục như quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; năng lực cạnh tranh thấp; giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất. Cơ cấu lại nông nghiệp chậm, chưa có nhiều mô hình hiệu quả. Dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng...
Về nhiệm vụ năm 2019, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh, ban hành các quy hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ tài chính, ngân sách; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả tỉnh Quảng Ngãi đạt được thời gian qua như: Nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mặt bằng chung của cả nước; các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã và đang dần hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh các nhiệm vụ thời gian tới của tỉnh Quảng Ngãi như: Tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư; quy hoạch và thực hiện quy hoạch quyết liệt nhưng không nóng vội; cần đặc biệt quan tâm đến công nghệ xử lý môi trường, vì có công nghệ tốt thì mới thuyết phục được chính quyền địa phương và nhân dân. Dịch vụ gắn liền với công nghiệp, do đó ngay từ đầu phải xây dựng được các trung tâm dịch vụ, gắn kết để phát triển công nghiệp, đồng thời quan tâm đào tạo nguồn nhân lực.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Trung ương. Trong đó, Đoàn cơ bản thống nhất những kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi như: Bố trí kinh phí cho địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với phần kinh phí do ngân sách Trung ương đảm bảo; sau khi địa phương đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ, phần còn dư được để lại cho địa phương để thực hiện đầu tư các dự án theo quy định; về tuyến đường giao thông ven biển, sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để xem xét nguồn hỗ trợ từ Trung ương.
Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình cùng Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, lãnh đạo Công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, nhiệm vụ năm 2019, đồng thời đề xuất một số kiến nghị đến Đoàn công tác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng: Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn cần quan tâm, đẩy nhanh dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; đẩy nhanh việc cổ phần hóa, từ đó lấy kinh phí phục vụ dự án nâng cấp mở rộng nhà máy; đồng thời cần đa dạng hóa sản phẩm đầu vào, cũng như tận dụng tối đa các phụ phẩm của nhà máy...
Dịp này, Đoàn công tác đã thăm và tặng quà 3 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại tỉnh Quảng Ngãi; thăm và tặng quà Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (tại huyện Nghĩa Hành). Nhân dịp này, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn để hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ công tác nuôi, dạy trẻ khuyết tật.