Trung Quốc chuyển dịch không gian hàng hải Biển Đông

Sáng 3/6, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) phối hợp cùng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 6 xoay quanh những vấn đề đã và đang diễn ra ở Biển Đông.

TS. Đặng Hồng Sơn thuyết trình về chính sách phát triển khảo cổ của Trung Quốc.


Với chủ đề: “Lợi ích của Trung Quốc từ việc chuyển dịch không gian hàng hải: Một tiếp cận liên ngành”, hội thảo nhằm tìm hiểu, đưa ra những đánh giá về lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc từ việc tạo ra những dịch chuyển không gian hàng hải, cũng như tác động của việc chuyển dịch không gian hàng hải tại Biển Đông đối với Trung Quốc và các quốc gia khác.

Một mục tiêu khác được hội thảo đặt ra là hướng tới việc gia tăng nhận thức không chỉ cho những người nghiên cứu mà còn là gia tăng nhận thức trong cộng đồng về vấn đề Biển Đông đang thu hút sự quan tâm theo dõi ở trong nước và thế giới.

Không gian hàng hải bao gồm không gian hiện (các đảo, bãi đá, bãi cạn, đường phân định ranh giới v.v.) và các không gian ngầm (dưới lòng biển, hệ thống tri thức hải dương, các kết quả nghiên cứu hải dương góp phần định hình nhận thức của một quốc gia và thế giới về không gian biển v.v.). Thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều việc làm dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ không gian hàng hải của nước này. Những động thái trên gắn liền với lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc.

Hai diễn giả của hội thỏa là TS. Đặng Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là ủy viên Hội đồng giám sát hoà bình Thái Bình Dương, phụ trách về vấn đề tranh chấp Biển Đông (thuộc Global Boston Forum, Massachusetts).

Tự nhận là một người đến từ ngành “khoa học của cái bình vỡ”, TS. Sơn mang đến hội thảo bài thuyết trình: “Lược thuật tình hình phát triển khảo cổ học biển đảo ở Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây”. Thông qua những lát cắt ngắn gọn, tiêu biểu về thành tựu khảo cổ của Trung Quốc, TS. Đặng Hồng Sơn chỉ ra một góc nhìn về những tính toán không thuần túy trên góc độ học thuật của quốc gia châu Á này.

Những thành quả khảo cổ học biển đảo mà Trung Quốc đã đạt được dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của lịch sử hàng hải, đóng tàu thuyền gốm sứ... Kết hợp với việc mạnh truyền thông, Trung Quốc dần tạo ra một nhận thức phổ thông. “Nhận thức đó là nơi nào có dấu vết vật chất như gốm sành, sứ, tiền đồng... có nguồn gốc Trung Quốc thì đó là lãnh thổ và lãnh hải do Trung Quốc khai phá và chiếm cứ. Chính nhận thức này tạo ra bệ đỡ dư luận cho những chính sách và hành động nhằm ‘chuyển dịch không gian hàng hải’ của Bắc Kinh”, TS. Đặng Hồng Sơn kết luận.

TS. Trương Minh Huy Vũ nói về "trật tự loại trừ" của Trung Quốc. 


Trong khi đó, diễn giả thứ hai của buổi hội thảo, TS. Trương Minh Huy Vũ, mang đến bài thuyết trình: “Thiết lập một ‘trật tự loại trừ’: Đảo nhân tạo trong ‘đại chiến lược’ Biển Đông của Trung Quốc”. TS. Trương Minh Huy Vũ đánh giá, không gian hàng hải tại Biển Đông đang thay đổi một cách nhanh chóng từ hơn một thập niên trở lại đây. Nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách “cơ sở hạ tầng” của nước này tại khu vực biển được xem là vùng “lợi ích cốt lõi”.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, tại Biển Đông, Trung Quốc đang “xây dựng Vạn Lý Trường thành trên biển”, tức xây dựng các đảo nhân tạo; có cách tiếp cận nước đôi với khái niệm pháp lý, mà cụ thể là các khái niệm của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Đồng thời, Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống nội sinh về kiến thức, tức nước này tự có bằng chứng, lập luận của riêng Trung Quốc. “Nếu như trước đây, các nhà khoa học Trung Quốc lúng túng khi phải giải thích về đường 9 đoạn, thì giờ đây họ đã hình thành hệ thống cách hiểu, quan điểm lập luận mang tính xuyên suốt để bảo vệ yêu sách này, dù các bên có chấp nhận hay không”, TS. Trương Minh Huy Vũ lấy ví dụ. 

Nói một cách ngắn gọn, điều Trung Quốc đang muốn làm ở Biển Đông là xây dựng một “trật tự loại trừ”, khác hoàn toàn trật tự đại dương mở, hay trật tự đại dương mang tính bao hàm theo nghĩa mà Mỹ và một số nước Phương Tây đang theo đuổi.

Hình ảnh mới nhất về đường bay đang được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo nhân tạo ở bãi Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh chụp ngày 11/4/2015. Nguồn: CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe


TS. Trương Minh Huy Vũ nhận định, Trung Quốc đang chuyển mình từ một “cường quốc đất liền” trở thành “cường quốc đại dương”, và quá trình này diễn ra một cách nhanh chóng. Điều này phù hợp với Sách trắng quốc phòng được Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 26/5, trong đó đáng chú ý là khẳng định Trung Quốc sẽ từ bỏ quan điểm trước đây ưu tiên phát triển bộ binh hơn hải quân, và sẽ đặt ưu tiên cao hơn cho việc chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột trên biển.

Chuỗi hội thảo về Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kì 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chủ trì, với mong muốn mở ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh liên quan tới Trung Quốc.




Anh Minh
‘Đảo nhân tạo’ nằm ở đâu trong tham vọng Biển Đông?
‘Đảo nhân tạo’ nằm ở đâu trong tham vọng Biển Đông?

Cạnh tranh chiến lược tại châu Á đang diễn ra mạnh mẽ. Động lực chính thúc đẩy xu hướng này chính là một Trung Quốc trỗi dậy muốn xác lập “luật chơi” can dự trong một không gian ảnh hưởng rộng lớn với Biển Đông là điểm chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN