Với hơn 200 hình ảnh, tư liệu hiện vật, trong đó có một số hiện vật, tư liệu, bản đồ… lần đầu tiên được công bố, chuyên đề nhằm tái hiện lại phần nào diện mạo của vùng đất Long Hồ dinh, tỉnh Vĩnh Long.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, cách đây 290 năm, chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú đã có một quyết định mang tính lịch sử là lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ - cơ bản hoàn thành tiến trình mở mang bờ cõi của vùng đất phương Nam Tổ quốc. Dinh Long Hồ lúc đó là một vùng đất rộng lớn bao gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh ngày nay và có mối quan hệ mật thiết với trấn Hà Tiên.
Dinh Long Hồ có vị trí trọng yếu, cộng đồng ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng đồng cam cộng khổ, từng bước kiến tạo vùng đất mới thành vùng đất trù phú, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước thời bấy giờ; đồng thời đã sáng tạo, lưu truyền nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đáng tự hào.
Đến năm 1832, danh xưng Vĩnh Long chính thức ra đời, trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc triều đình nhà Nguyễn. Vĩnh Long là một trong sáu tỉnh của Nam Kỳ lục tỉnh. Tên gọi Vĩnh Long mang ý nghĩa hưng thịnh lâu dài, thể hiện kỳ vọng về tiền đồ của vùng đất, tương lai xán lạn của con người Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, qua thư tịch, tư liệu, hình ảnh, hiện vật, di sản văn hóa còn lưu lại đến hôm nay cho thấy diện mạo lịch sử - văn hóa của vùng đất Long Hồ dinh, tỉnh Vĩnh Long phong phú, đa dạng. Từ những chủ nhân đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp, mở mang bờ cõi tại vùng đất mang nhiều màu sắc dân tộc, đa văn hóa đã dần hình thành nên một quần thể văn hóa, lớp người mới ở vùng sông nước Cửu Long…
Trưng bày diễn ra đến hết năm 2022.