'Truân chuyên' hàng nông sản-Bài cuối: Cần hoàn thiện ngay chuỗi cung ứng

Sự bất hợp lý giữa giá bán ra “rẻ mạt” của nhà nông đến giá “bỏng tay” của những điểm bán lẻ đang gây bức xúc và thiệt hại cho người dân. Ngoài những nguyên nhân khách quan, hệ thống phân phối các mặt hàng nông sản còn yếu là nguyên nhân chủ quan dẫn đến nhiều bất ổn về cung cầu, giá cả cũng như khả năng kiểm soát, điều tiết của ngành chức năng.

 

Liên kết lỏng lẻo


Hàng nông sản đang phải qua quá nhiều trung gian mới đến được tay người tiêu dùng. Vì vậy, việc tổ chức lưu thông của các loại nông sản được thông suốt, tạo thành một chuỗi giá trị cao phân chia lợi ích giữa nhà nông và người tiêu dùng là thách thức lớn đối với ngành chức năng, cũng như mong đợi của cả xã hội.


Cần liên kết chặt giữa nhà nông và nhà phân phối để hàng nông sản có giá hợp lý.

 

Về phía nông dân, dù đã có kinh nghiệm sản xuất từ bao đời nay, nhưng chủ yếu vẫn sản xuất tự phát, trong khi ngành chức năng không mấy mặn mà trong chỉ đạo, hoạch định, phát triển sản xuất khiến cho hàng nông sản dễ rơi vào thế bấp bênh, được mùa mất giá…


Các nhà phân phối bán lẻ cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng hóa. Thay vì chủ động sản xuất, mua hàng tận gốc, nhiều siêu thị vẫn ngồi một chỗ chờ xe hàng của các lái buôn mang tới. Khi mà nông dân yếu thế, nhà bán lẻ thụ động thì đương nhiên dẫn đến việc thu mua nông sản phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái. Các thương lái vì mục đích lợi nhuận thường thu mua giá rẻ và bán lại với giá đắt. Do đó, việc tăng cường liên kết giữa sản xuất và phân phối, rút ngắn các tầng nấc trung gian là hết sức quan trọng.


Tại một Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, chỉ khi nào vai trò chuỗi cung ứng được nâng lên đúng tầm, những mối quan hệ trong chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối sản phẩm ra thị trường được liên kết chặt chẽ với nhau thì lợi ích của người tiêu dùng và người nông dân mới được đảm bảo. Khi có sự gắn kết bền vững giữa các khâu thì sẽ hạn chế được sự tham gia của những thương lái không nằm trong chuỗi và hạn chế được tác nhân gây bất ổn thị trường khi cung cầu biến động.


“Nếu liên kết tốt giữa khâu sản xuất phân phối và tiêu thụ sẽ bình ổn được thị trường đầu ra, hạn chế được tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá cả lên cao bất hợp lý, cũng như điều chỉnh được vai trò làm giá của những bộ phận trung gian. Điều quan trọng là các doanh nghiệp sản xuất thu mua, chế biến và phân phối hàng nông sản phải cùng bắt tay nhau, phối hợp hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, bền vững vừa giúp nhà nông yên tâm về đầu ra, vừa giảm chi phí đội lên ở các khâu không cần thiết”, ông Năm phân tích.


Kinh nghiệm từ những điểm sáng


Kinh nghiệm của TP.HCM cho thấy, nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc hình thành chuỗi cung ứng, từng bước đưa giá trị hàng nông sản trở về với giá trị thực của nó. Cụ thể, ngoài việc phát triển, hoàn thành hệ thống phân phối, ngành công thương đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa nhà nông, nhà phân phối và người tiêu dùng trong lĩnh vực nông sản, nhu yếu phẩm.

 

TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): “Việc phân phối nông sản theo thị trường tự do kiểu thuận mua vừa bán đang tạo nên những bất hợp lý trong lưu thông hàng hóa từ người trực tiếp làm ra sản phẩm đến tay người thụ hưởng. Muốn giảm sự thao túng của trung gian, chính nhà nông phải ý thức liên kết hình thành những mô hình sản xuất tiên tiến, có hợp đồng bài bản với doanh nghiệp thu mua.

TP.HCM đã nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu để từng bước tự chủ được nguồn cung nông sản, thực phẩm và giảm sự phụ thuộc vào thương lái; chủ động đứng ra làm đầu mối giúp doanh nghiệp trong liên lạc, ký kết và triển khai hoạt động phối hợp với nông dân các địa phương. Nhờ vậy, theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương TP.HCM, chỉ tính trong năm 2011, lượng thịt lợn các doanh nghiệp tự sản xuất đạt gần 11.000 tấn, thịt gia cầm hơn 4.600 tấn… có giá thấp hơn thị trường từ 10 - 20%, góp phần bình ổn giá trên thị trường.


Không chỉ ngành chức năng, chính bản thân doanh nghiệp kinh doanh cũng đã ý thức được việc liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất nhằm tạo lập được chuỗi cung ứng hiệu quả cùng làm ăn lâu dài, bảo vệ được tốt hơn quyền lợi của người dân. Đơn cử Công ty Vissan đã từng bước hoàn thiện khép kín giữa mô hình công nghiệp - nông nghiệp - phân phối. Theo đó, tiến trình khép kín sẽ bắt đầu từ đầu vào là gia súc, gia cầm, rau củ quả của nhà nông, đến chế biến tinh sâu của nhà máy và nỗ lực xây dựng hệ thống cửa hàng đại lý trực tiếp bán sản phẩm của Vissan trong toàn quốc. “Ở đây, chuỗi cung ứng gồm nông dân, nhà máy và người tiêu dùng được gắn chặt hữu cơ không rời nhau. Những khâu trung gian bị dẹp bỏ và vì sự sống còn của cả ba chủ thể nên chúng tôi rất có ý thức về cung cấp hàng hóa có giá cả, chất lượng như thế nào tốt nhất”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan chia sẻ.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Nâng cao năng lực hệ thống thanh tra thực phẩm

Ngày 30/7, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Xây dựng năng lực cho hệ thống thanh tra an toàn thực phẩm tại Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN