Thứ trưởng Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Quang Vinh |
Ngày 17/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời thủ đô Praha của CH Séc về nước, kết thúc chuyến thăm CH Ba Lan, LB Thụy Sĩ và CH Séc. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, thành viên chính thức của Đoàn đại biểu Việt Nam, về kết quả chuyến thăm.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết từ ngày 9 đến ngày 17/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Đoàn đại biểu Việt Nam đã thăm làm việc tại ba nước Ba Lan, Thụy Sỹ và Séc. Trong chuyến thăm này, Phó Chủ tịch nước đã dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu từ ngày 9 đến ngày 11/6 tại thủ đô Vácsava của Ba Lan; tham dự Khóa họp 32 Hội đồng Nhân quyền, Liên hợp quốc; thăm Trụ sở Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và làm việc với Tổng Thư ký IPU Martin Chugong vào ngày 13/6 tại Geneva, Thụy Sĩ. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã có các cuộc hội kiến với lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội của 3 nước; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp sở tại, cộng đồng người Việt Nam và làm việc với các cơ quan đại diện của ta ở Ba Lan, Thụy Sĩ và Séc, thăm các cơ sở kinh tế - xã hội ở ba nước này...
Về kết quả và ý nghĩa chính của chuyến thăm, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu tại Vácsava quy tụ hơn 1.000 đại biểu nữ, trong đó có trên 30 đại biểu cấp Bộ trưởng trở lên, thuộc khắp các châu lục. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu gồm lãnh đạo nữ của một số bộ, ngành, địa phương và đại diện nữ của các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam. Đoàn của chúng ta đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh. Đáng chú ý là Ban tổ chức đã mời Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chính tại cả Lễ khai mạc lẫn Lễ bế mạc, thu hút sự quan tâm của hội nghị và được các đại biểu đánh giá cao.
Phó Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam đã giới thiệu với bạn bè quốc tế chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng giới và thúc đẩy tiến bộ của Phụ nữ; vai trò và đóng góp to lớn của Phụ nữ Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; chia sẻ những bài học, kinh nghiệm của Phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực này..., được Hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao.
Tham dự Phiên họp 32 của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu quan trọng trước sự hiện diện của đại biểu từ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế, quan sát viên, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hội đồng Nhân quyền. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc cần tập trung vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Ứng phó với biến đổi khí hậu; đề cập tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gần đây ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nỗ lực to lớn của Việt Nam để bảo đảm quyền con người, nhất là thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và quyết tâm thực hiện Những mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Phát biểu của Phó Chủ tịch nước được Phiên họp quan tâm và đánh giá cao. Điểm đặc biệt và cũng là ngoại lệ là Chủ tọa đã mời Phó Chủ tịch nước ta phát biểu tại bàn chủ tọa, thể hiện sự trọng thị đối với Việt Nam và Lãnh đạo ta.
Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Tổng Thư ký Martin Chungong đánh giá cao sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động của IPU và hợp tác nghị viện nói chung và nhất là thông qua việc Phó Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam đến thăm Trụ sở IPU lần này.
Về các hoạt động song phương tại 3 nước Ba Lan, Thụy Sĩ và Séc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo ta sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tới khu vực Trung và Tây Âu, thể hiện Việt Nam coi trọng và chủ động thúc đẩy quan hệ với 3 đối tác truyền thống và quan trọng ở khu vực này.
Cả ba nước đều đón tiếp Đoàn ta rất trọng thị. Lãnh đạo cao nhất của Nhà nước – Quốc hội hội đàm với Phó Chủ tịch nước, nội dung trao đổi rất thực chất cho thấy các nước bạn đều coi trọng quan hệ với Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội các nước đều bày tỏ quan ngại và chia sẻ quan điểm cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực này.
Về triển vọng hợp tác với các tổ chức quốc tế và 3 nước mà Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vừa có chuyến thăm, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định chuyến thăm thành công trên cả phương diện đa phương và song phương đã mở ra triển vọng hợp tác rất tích cực với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, IPU và 3 nước đối tác.
Đây là năm cuối Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016). Sự tham gia của Lãnh đạo ta tại Khóa họp 32 Hội đồng Nhân quyền góp phần ghi dấu ấn Việt Nam tại diễn đàn quan trọng hàng đầu này của Liên hợp quốc. Hình ảnh, vị thế Việt Nam được nâng cao tại Liên hợp quốc, IPU và với các nước bạn bè truyền thống, góp phần tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng này.
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan, Thụy Sĩ, Séc còn rất lớn. Các nước bạn đều tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam, mong muốn hợp tác sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, triển khai các cơ chế hợp tác cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp nước bạn tại Việt Nam.