Tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo - định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam”. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Dự Tọa đàm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cuộc cạnh tranh giữa các mô hình trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây giữa các quốc gia diễn ra mạnh mẽ cho thấy sự quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ trên nền tảng số vào phát triển kinh tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, nói đến trí tuệ nhân tạo, người ta thường nghĩ phải rất nhiều tiền mới có thể làm được là rất đúng. Tuy nhiên, cũng có những cách chúng ta kết nối và có con đường riêng để phát triển hiệu quả. Việt Nam là quốc gia tiếp cận với trí tuệ nhân tạo rất sớm, nhưng việc tham gia phát triển lĩnh vực này để xây dựng nền kinh tế là một vấn đề quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu. Để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, bên cạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực thì tư duy chiến lược cũng là yếu tố rất quan trọng để đưa ra cách làm, hướng đi bền vững, từ đó có những đề án cụ thể trong lĩnh vực này.
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hoạt động sử dụng trí tuệ nhân tạo. Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau khi có Nghị quyết 57-NQ/TW với những giải pháp cụ thể, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Duy Ngọc cho biết, chúng ta sẽ có lộ trình thúc đẩy các nhóm dữ liệu chiến lược, từng bước sử dụng ứng dụng một cách hiệu quả…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh của Cách mạng công nghệ lần thứ tư, công nghệ thông tin, truyền thông được coi là mũi nhọn trong các cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia trên toàn cầu. Việc phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất về chính quốc cũng như phân hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng, công nghệ bán dẫn hiện đang giữ vai trò chiến lược nhất cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) cộng sinh với nhau sẽ tạo nên giá trị vượt trội cho quyền lực của mỗi quốc gia.
Thống kê cho thấy, từ năm 2001 đến nay, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có sự phát triển vượt bậc, đạt giá trị gần 800 tỷ USD vào năm 2023. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, xu hướng phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như ô tô tự hành, trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây, chuyển đổi số và dữ liệu lớn… đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.
Tại Tọa đàm, từ nhiều góc độ nghiên cứu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, hiểu đúng về cơ hội vô giá của chuyển đổi số và vai trò trí tuệ nhân tạo là việc quan trọng giúp con người tăng cường năng lực trí tuệ ở nhiều mức khác nhau. Theo đó, Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về AI, đồng thời phát huy vai trò và vị thế quốc gia trong việc thúc đẩy sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề xuất ban hành luật về AI và kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, quy định rõ ràng về trách nhiệm, chế tài và nghĩa vụ của các công ty công nghệ; đồng thời cần xây dựng các cơ chế giám sát và kiểm tra chặt chẽ đối với các công ty công nghệ, các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo…