Tiếp tục ngày làm việc thứ 5, ngày 25/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GDĐH do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày đã nêu lên những nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật GDĐH bao gồm: Mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở GDĐH; quyền tự chủ của cơ sở GDĐH; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; hợp tác quốc tế trong GDĐH và một số vấn đề khác.
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Thị Kim Thúy, phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Thảo luận về nội dung dự thảo luật, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật GDĐH. Các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ thông qua dự thảo luận GDĐH tại kỳ họp này.
Thảo luận về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) tán thành với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể của luật này. Đại biểu cho rằng nếu xem xét quyền tự chủ như một phần thưởng, thì trường nào tốt mới trao quyền tự chủ, trường nào làm không tốt thì cắt quyền tự chủ.
Xung quanh nội dung quy định trình độ của giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn bởi đối với các địa phương, vùng sâu, vùng xa, các trường văn hóa, nghệ thuật của các tỉnh… quy định này trên thực tế là khó thực hiện được.
Về nội dung xã hội hóa giáo dục, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận, vì làm rõ được khái niệm này mới có những chính sách phù hợp với từng loại hình. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ sự băn khoăn tại khoản 7, Điều 4 quy định: “Cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở GDĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”. Đại biểu đánh giá điều khoản của luật đang duy trì sự không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận, kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước và đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc làm rõ vấn đề này.
Bàn về kiểm định chất lượng GDĐH, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng GDĐH và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc nhưng cần có lộ trình thực hiện và bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng. Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nhấn mạnh: Đây là một vấn đề mới của Luật GDĐH. Dự thảo đã có hẳn một chương (chương 7) quy định về kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, để tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH thực hiện tốt hơn, có cơ sở pháp lý, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm 1 điều về cơ sở pháp lý, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng.
Cuối phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải đáp thấu đáo một số nội dung cụ thể các đại biểu Quốc hội trao đổi tại phiên thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết ban hành Luật GDĐH.
Bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động
Chiều 25/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Báo cáo nêu rõ những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về địa vị pháp lý của công đoàn; về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài; về hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp; về tài chính công đoàn; về bảo đảm cho cán bộ công đoàn...
Về địa vị pháp lý của công đoàn, nhiều đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 1 của dự thảo luật: "Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Về tên gọi của công đoàn các cấp, các đại biểu tán thành với quy định tên gọi công đoàn ở cấp trung ương là Tổng Công đoàn ngay trong dự án luật, còn tên gọi cụ thể của công đoàn các cấp sẽ do Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định.
Về hệ thống tổ chức công đoàn, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, hệ thống tổ chức của các cấp công đoàn hiện nay còn nhiều tồn tại, mang nặng tính hình thức cấp trên cấp dưới, chưa phù hợp, chưa phân biệt chức năng nhiệm vụ của từng cấp công đoàn. Luật cần chỉ rõ hệ thống tổ chức trong cả hệ thống tổ chức công đoàn và từng cấp công đoàn theo nguyên tắc gì, theo mối quan hệ nào...
Nhiều đại biểu cũng tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), khi hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư quốc tế, có hàng chục ngàn chuyên gia, lao động kỹ thuật vào làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, khi quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động có mâu thuẫn, nếu người nước ngoài được tham gia công đoàn sẽ thuận lợi hơn trong công tác và bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi công đoàn giữa lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài. Trái với quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không đồng ý với quy định để lao động là người nước ngoài gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về trách nhiệm của công đoàn trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công”; kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn...
Quỳnh Hoa - Phúc Hằng