Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến trao bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 nước. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Các biên bản ghi nhớ hợp tác này bao gồm:
Ý định thư hợp tác đối tác chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Nghiên cứu khoa học Quebec, Canada.
Bản ghi nhớ về "gói hỗ trợ kỹ thuật" giữa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Canada.
Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Quebec tại Montreal.
Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh "Hệ thống phòng học ngoại ngữ đa phương tiện Robotel SmartClass+" giữa Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Hoàng Thành và Tập đoàn Robotel, Canada trị giá 100 triệu USD.
Trước đó, phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng quan hệ Việt Nam - Canada đang đứng trước những vận hội, thời cơ mới khi hai nước đã nâng cấp lên thành Quan hệ toàn diện (2017). Đồng thời, Việt Nam và Canada là hai thành viên tích cực thúc đẩy việc ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo nên một khối kinh tế tự do thế hệ mới của 11 quốc gia có quy mô 13% GDP toàn cầu, khẳng định quá trình hợp tác kinh tế vẫn là xu thế vận động chủ đạo trong không gian chính trị - kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cùng với các yếu tố thuận lợi như vị trí địa kinh tế, lực lượng lao động dồi dào, thị trường rộng lớn, được kết nối với khu vực ASEAN đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua 11 Hiệp định thương mại tự do FTA, kinh tế phát triển năng động, nỗ lực của Chính phủ đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh liên tục được cải thiện… Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và đều lựa chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Đối với Canada, mặc dù quan hệ chính trị giữa hai nước hết sức tốt đẹp (vừa qua đã nâng quan hệ lên đối tác toàn diện), nhưng quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại hai chiều còn khiêm tốn và dưới tiềm năng. Điều này càng làm cho hai bên phải cùng nhau suy nghĩ cần phải làm gì; hợp tác với nhau như thế nào, để tận dụng được các cơ hội của sự phục hồi kinh tế thương mại toàn cầu, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy được tiềm năng thế mạnh của mỗi bên.
Việt Nam tin tưởng và mong muốn các doanh nghiệp Canada đầu tư vào các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, dịch vụ du lịch, bất động sản, năng lượng, y tế giáo dục, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin...; thông qua các hình thức như M&A, tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoặc hình thức Hợp tác Công – Tư (PPP). Ngoài ra, Việt Nam hiện đang xây dựng ba đặc khu kinh tế với thể chế vượt trội cạnh tranh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Canada.
Trưởng đại diện Phòng Thương mại Canada (Cancham) tại Việt Nam cũng đã có bài trình bày đánh giá tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, theo đó những điểm mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể kể đến: vị trí địa lý chiến lược, kinh tế - chính trị ổn định, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và thị trường tiêu dùng ngày càng lớn, chi phí nhân công cạnh tranh, ưu đãi đầu tư hấp dẫn, tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế mở với rất nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký kết, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Đại diện Cancham cho rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Canada nói riêng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp hai nước đã có phiên kết nối doanh nghiệp với nhiều cuộc tiếp xúc giữa các Tập đoàn lớn tạo tiền đề quan trọng cho các hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Canada.
Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada sẽ đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới, thực chất, hiệu quả hơn nữa, mang lại sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước.