Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tọa đàm là hoạt động xúc
tiến thương mại quy mô lớn nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập
quan hệ ngoại giao với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và
Canada.
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc và các doanh nghiệp Việt Nam đến với Québec, Thị trưởng Québec,
bang Québec, ông Régis Labeaume đã thông tin về sự năng
động của doanh nghiệp và thành phố, mở ra cơ hội hợp tác với các doanh
nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Ngài Thị trưởng nhấn mạnh đến những lĩnh vực
mà Québec có thế mạnh như công nghiệp điện tử, năng lượng, môi trường,
vật liệu, dịch vụ tài chính, khoa học đời sống, khởi nghiệp…
Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada, ông Vincent Joli-Coeur đánh giá cao những cải cách, đổi mới của Việt Nam
hơn 30 năm qua, đồng thời đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế
cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông Vincent Joli-Coeur cho biết,
trong số những quốc gia mà Ngân hàng Quốc gia Canada hiện diện thì Việt
Nam đứng thứ nhất về sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng
hoàn thiện các tiêu chuẩn không chỉ về cơ sở hạ tầng mà cả đạo đức kinh
doanh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu đến
các nhà đầu tư Canada về một nền kinh tế Việt Nam năng động, môi trường
đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện và luôn chào đón các nhà đầu
tư nước ngoài. Trong đó có những con số ấn tượng như tăng trưởng kinh tế
cao, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào
Việt Nam đạt trên 37 tỷ USD năm 2017, thu nhập bình quân theo ngang giá
sức mua là 6.800 USD.
Thủ tướng thông tin các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại
Việt Nam đều đánh giá cao về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, nhất là về độ
mở nền kinh tế với việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do
toàn cầu. Gần đây là tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada là một trong
số các quốc gia thành viên đã ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định
Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó,
Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế và như vậy, nhiều mặt hàng
xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế…
Đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada, Thủ tướng
thông tin Việt Nam đang tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kể cả những
lĩnh quan trọng như hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng
giao thông. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có
Canada nói chung, thành phố Quebec nói riêng tham gia mua cổ phần, trở
thành đối tác cổ đông chiến lược.
Dẫn ví dụ cụ thể để minh chứng về tiềm năng hợp tác giữa doanh
nghiệp hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến Dự án liên doanh
đa quốc gia: Nhà máy điện năng lượng mặt trời có quy mô 168MW với số vốn
150 triệu USD vừa được khởi công mới đây tại tỉnh Ninh Thuận.
Gợi mở những tiềm năng hợp tác cấp quốc gia giữa hai nước, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trên tinh thần Tuyên bố chung giữa hai
nước, Việt Nam xác định Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại
khu vực châu Mỹ. Nền kinh tế hai nước có tiềm năng to lớn, có tính bổ
trợ cho nhau cao hơn là tính cạnh tranh. Đặc biệt Việt Nam có một nền
nông nghiệp nhiệt đới phong phú, bổ dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và
nhiều thế mạnh trong các sản phẩm công nghiệp khác.
Với tiềm năng đó, Thủ tướng cho rằng, mức kim ngạch thương mại hai
chiều hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được mong đợi và mức 3,5 tỷ
USD về đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực của các nhà đầu tư Canada vào
Việt Nam. Hai bên cần tích cực nỗ lực để phấn đấu tăng cao hơn nữa các
chỉ số này trong thời gian tới.
Ngay tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời
nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Canada. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng
của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn
coi trọng nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu
tư. Việt Nam tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ
là số lượng mà còn coi trọng cả chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có giá
trị gia tăng cao, chuỗi giá trị toàn cầu, những dự án bảo vệ môi trường
cho người dân và xã hội tốt nhất. Trong đó, những lĩnh vực ưu tiên như:
Xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực nông nghiệp
công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao…
Các nhà đầu tư Canada cũng đặt các câu hỏi về giải pháp thúc đẩy
thương mại hai nước; vấn đề đào tạo lao động có trình độ và ngoại ngữ
đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong
giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã
xuất khẩu hàng năm hàng trăm nghìn lao động và đều qua đào tạo ngoại
ngữ. Là quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, bên cạnh Tiếng Anh, Việt
Nam tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp và một số ngôn ngữ quốc tế
khác nhằm mục tiêu tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát
triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Toàn quyền Canada
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Toàn quyền Canada Julie Payette. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trước đó, trưa 8/6 theo giờ địa phương (tức tối muộn cùng ngày theo giờ Việt
Nam), tại Québec, Canada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội
kiến Toàn quyền Canada Julie Payette nhân dịp dự
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8 - 10/6/2018.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự
hiếu khách và tình cảm nồng hậu của Chính phủ và nhân dân Canada dành
cho Đoàn đại biểu Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn Canada đã mời Việt Nam tham
dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada; khẳng định Việt Nam
hoan nghênh chủ đề Biến đổi khí hậu và đại dương và sẽ nỗ lực đóng góp
vào thành công chung của Hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ
truyền thống giữa Việt Nam và Canada; khẳng định luôn coi trọng và mong
muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Canada vì lợi ích
của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực
và trên thế giới.
Toàn quyền Canada Julie Payette chào mừng Đoàn Cấp cao Việt Nam
tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada. Toàn quyền
Canada đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm Canada của Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hai nước cùng kỷ niệm 45 năm thiết
lập quan hệ ngoại giao. Toàn quyền Canada khẳng định Việt Nam là đối tác
quan trọng của Canada ở khu vực, luôn ủng hộ Việt Nam và mong muốn thúc
đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với Việt Nam.
Trên tinh thần chính sách nhất quán của Việt Nam là tham gia tích
cực, xây dựng và có trách nhiệm vào cộng đồng Pháp ngữ, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đề nghị Canada tiếp tục thúc đẩy phong trào Pháp ngữ tại Việt
Nam, trong đó có việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, hỗ trợ đào
tạo giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Canada
ủng hộ Việt Nam tham gia các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như
các dự án hợp tác kinh tế, giáo dục - đào tạo trong khuôn khổ tổ chức
Pháp ngữ. Thủ tướng nhấn mạnh cùng với tăng cường quan hệ kinh tế - thương
mại, giao lưu văn hóa, du lịch và nhân dân đóng vai trò quan trọng
trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và đề nghị Canada quan tâm hỗ trợ
cộng đồng người Việt tại Canada.
Toàn quyền Canada đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội Việt
Nam đạt được trong quá trình Đổi mới và sự tham gia tích cực của Việt
Nam vào cộng đồng Pháp ngữ. Toàn quyền Canada khẳng định tiếp tục tạo
thuận lợi cho mở rộng hợp tác và trao đổi học thuật, thông qua việc
thiết lập các quan hệ đối tác và các chương trình trao đổi sinh viên
giữa các cơ sở giáo dục của hai nước.
Toàn quyền Canada cũng khẳng định
ủng hộ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn
quyền Canada đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng người Việt
đối với đất nước Canada, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam đang học tập
tại đây.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ đối tác toàn diện là khuôn khổ
để hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa và nhất trí thời gian tới hai nước
cần tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể đưa quan hệ Đối tác toàn
diện Việt Nam - Canada đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; tiếp tục
phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc,
APEC, Francophonie.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi sâu rộng, chia sẻ lập trường về
nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai
nhà Lãnh đạo ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng
không, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sơ tôn trọng luật pháp
quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng
các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử
dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nỗ lực sớm hoàn tất COC
thực chất.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Toàn quyền Canada Julie Payette thăm Việt Nam và bà đã vui vẻ nhận lời.