Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Jean-Lesage, thành phố Québec, Canada. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo đặc phái viên TTXVN, đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại sân bay Jean-Lesage có Bộ trưởng Nghề cá, Đại dương và Bảo vệ biển Liên bang Canada Dominic LeBlanc, một số bộ trưởng chính quyền bang Québec, Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Đức Hòa và Phu nhân cùng đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Canada.
Theo chương trình, ngoài việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự buổi trình diễn về “Công nghệ thông minh cho tương lai” tại trường Đại học Laval; gặp gỡ các nhà lãnh đạo bang Québec; dự và phát biểu tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo một số quốc gia dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Cũng theo chương trình vào ngày 10/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con Việt kiều tại Canada.
Thành phố Québec có diện tích 548 km2, là một trong số các thành phố lớn của miền Đông Canada, và dân số khoảng 532.000 người vào năm 2016, thành phố đông dân thứ 2 của bang Québec. Đây cũng là thủ phủ và trung tâm chính trị của bang Québec, là nơi đặt trụ sở cơ quan lập pháp Québec. Thành phố Québec vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, là thành phố duy nhất ở Bắc Mỹ có tường thành bảo vệ.
Kinh tế của thành phố Québec tập trung vào dịch vụ, thương mại, giao thông và du lịch. Những địa điểm du lịch hấp dẫn là Tòa tháp cơ quan lập pháp Québec, Bảo tàng Nghệ thuật Québec, Pháo đài Québec, Bảo tàng văn minh, nhà thờ Sainte-Anne-de-Beaupré…
Québec là bang có quan hệ hợp tác sớm nhất với các địa phương của Việt Nam. Hiệp định Hợp tác kinh tế - kỹ thuật giữa Chính phủ bang Québec và Chính phủ Việt Nam đã được ký kết năm 1992. Trên cơ sở hiệp định, Ủy ban Hợp tác Việt Nam - bang Québec đã được thành lập và họp thường niên 1 - 2 năm/lần trong những năm đầu. Quan hệ hai bên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa - giáo dục.