Năm 2012, TP.HCM đã xây dựng nhiều nội dung, đề án nhằm tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính (CCHC) ở tất cả các lĩnh vực thông qua việc hiện đại hóa quản lý và nâng cao nguồn nhân lực, gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị hiện đại.
Từ những cách làm mới
Thời gian gần đây lượng người dân đến UBND phường Bến Thành, quận 1 chứng thực giấy tờ và làm các thủ tục hành chính tăng vọt. Anh Trần Quốc Liêm (ở phường 13, quận 10) cho biết: "Anh tôi cần sao y giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu, nhưng lại đang đi công tác ở Hà Nội, nên nhờ tôi đi lấy hộ. Anh dặn tôi đúng 9 giờ sáng ra UBND phường Bến Thành lấy. Khi tôi thắc mắc, anh ấy giải thích là bây giờ chỉ cần đăng ký số lượng giấy tờ cần sao và hẹn thời gian nhận qua... email vì toàn bộ giấy tờ cần sao y đã được lưu tại phường".
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, đồng thời là tác giả phần mềm quản lý dân cư bằng vân tay, cho biết: "Tại phường Bến Thành, các loại giấy tờ như CMND, hộ khẩu, văn bằng của người dân chỉ cần đến đăng ký lưu trữ một lần. Cán bộ UBND phường sẽ hướng dẫn và scan bản chính một lần duy nhất để lưu vào máy tính cùng vân tay và ảnh để nhận dạng. Sau này, khi người dân cần sao y các loại giấy tờ trên, chỉ cần đi tay không và đến phường dùng vân tay nhận dạng vào máy, sau đó đánh vào máy tính số lượng văn bản cần sao y, máy tính sẽ báo số tiền cần nộp và đóng lệ phí. Người dân nhận biên lai thông báo giờ đến nhận bảo sao là xong. Nếu không muốn đến phường, người dân có thể đăng ký qua email và nhận giấy hẹn. UBND phường tiến hành lưu nhiều giấy tờ, giấy chứng nhận của các đối tượng gia đình chính sách, người có công nên tiết kiệm thời gian, công sức của cả người dân và cán bộ".
Việc quản lý dân cư bằng vân tay còn được triển khai trong việc quản lý trẻ em cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, thực hiện nghĩa vụ quân sự... Chính nhờ phần mềm quản lý, tra cứu bằng vân tay nên 18.000 dân cư phường Bến Thành thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản.
Trong khi đó, được xem là lĩnh vực “nhạy cảm” và rối rắm về thủ tục hành chính, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 12/12 chi cục hải quan trực thuộc, qua đó số lượng tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt trên 90%. Bên cạnh đó, ngoài việc triển khai các phần mềm quản lý vào quy trình kiểm soát xuất nhập khẩu, Hải quan thành phố cũng đã triển khai lắp đặt, đưa vào hoạt động có hiệu quả một máy soi container tại cảng Cát Lái. Trong năm 2012, cục tiếp tục đầu tư trang bị thêm 3 máy soi container tại cảng Cát Lái, các cảng nội địa (ICD) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và phục vụ tốt cho công tác đấu tranh chống buôn lậu. Ngoài ra, Cục Hải quan thành phố còn thực hiện thí điểm việc tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất nhập cảnh (E-Manifest) cho ba hãng tàu: MAERSK LINE, OOCL, MOL. Đến cuối năm 2012 sẽ thực hiện cho tất cả các hãng tàu.
Không chỉ vậy, hiện hầu hết các sở, ngành của thành phố đã tích cực triển khai công tác CCHC trên các lĩnh vực bằng cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”.
Đẩy mạnh các chương trình
TP.HCM đã có nhiều bước tiến trong quá trình CCHC, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Chín, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố, qua đợt khảo sát tại một số quận, huyện cho thấy còn khá nhiều vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với lĩnh vực nhà đất, gây không ít phiền hà, bức xúc cho người dân. Còn theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân là do năng lực cán bộ, công chức còn hạn chế; ý thức phục vụ dân chưa tốt của một bộ phận cán bộ; đặc biệt là công tác quản lý cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn thiếu sót, chưa được quan tâm đúng mức…
Chính vì thế, năm 2012 TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện CCHC trên năm lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa liên thông; tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính thành phố. Mới đây, UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế và cán bộ, công chức kiểm soát thủ tục hành chính tại thành phố” giai đoạn 2012 - 2015, phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo cơ bản cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, quận, huyện, phường, xã được bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra văn bản.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho rằng: “Cái gốc của vấn đề chính là con người. Đáng quan tâm nhất là kiểm soát và hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp từ sở, ngành, quận, huyện đến phường, xã. Chính quyền thành phố sẽ quyết liệt khắc phục, cụ thể là chấn chỉnh thái độ và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức”. Theo ông Lê Minh Trí, chỉ số hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả nhất để đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Sắp tới, đối tượng công chức được người dân “chấm điểm” sẽ mở rộng và những “điểm sáng” trong CCHC sẽ được nhân rộng ở các địa phương.
Đăng Giới - Minh Thuyết