Duy trì đà tăng trưởng
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các doanh nghiệp thành phố ước đạt 421.938,6 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng tốt giúp nâng cao đời sống của người dân. Ảnh: CTV |
Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Hồng Kông tăng 17,5%; Đài Loan tăng 60,4%; Indonesia tăng 78,1… Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng: Gạo tăng 40,3%, rau quả tăng 27,1%, thủy sản tăng 22,9%...
Chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố trong 5 tháng qua ước tăng 6,0% so với cùng kỳ. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 6,73% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành.
Về thu hút đầu tư, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 330 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 393 triệu đô la Mỹ (so với cùng kỳ, tăng 17% về số dự án và tăng 15% về vốn đầu tư). Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 1,85 tỷ đôla Mỹ (tăng 34% so với cùng kỳ).
Sự quan tâm của TP Hồ Chí Minh trong hoạt động dịch vụ logistics thông qua “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics” góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics cũng như đưa ra các giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sản xuất nông nghiệp duy trì hoạt động ổn định. Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được chú trọng thực hiện có hiệu quả cao thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài có những kết quả khả quan, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số dự án FDI được cấp mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ.
Phấn đấu về đích sớm
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bên cạnh một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá như trên cũng có một số chỉ tiêu bị giảm, loại hình dịch vụ tăng nhưng khả năng cung ứng chưa đảm bảo, ngành công nghiệp tăng nhưng chưa đồng đều… Điều này cho thấy, kinh tế thành phố tăng trưởng nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, phát triển không bền vững.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 của TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 84.491 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước. Ảnh: CTV |
Đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 tháng đầu năm, nguồn thu đạt 39.500 tỷ đồng đạt 36,6% kế hoạch năm, giảm hơn 6% so với cùng kỳ. Năm 2018, Hải quan TP Hồ Chí Minh được giao chỉ tiêu thu 108.000 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với năm 2017. Về nguyên nhân giảm chỉ tiêu, theo lãnh đạo Hải quan TP Hồ Chí Minh do trong năm 2018 một số hiệp ước, hiệp định kinh tế Việt Nam tham gia ký kết với các nước có hiệu lực, nhiều mặt hàng nhập khẩu thuế suất giảm mạnh do đó nguồn thu cũng giảm.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Thành Phong, một số vấn đề kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng bộc lộ những bất cập như cảng Cát Lái lúc nào cũng quá tải, khu vực xung quanh cảng luôn luôn ùn tắc trong khi đó các cảng còn lại công suất chỉ đạt chưa đến 30%. Cảng Cái Mép cũng được đầu tư rất nhiều kinh phí, nhưng công suất chỉ đạt chưa đến 30% do giao thông qua Quốc lộ 51 còn nhiều khó khăn. TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điểm ngập, nhiều khu vực dù được đã chống ngập xong vẫn ngập khi lượng mưa lớn…
Để giải quyết những khó khăn trên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành cần có phân tích chính xác những nguyên nhân được và chưa được để có giải pháp phù hợp. Theo đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tập trung nghiên cứu tham mưu xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố làm cơ sở đề ra kế hoạch, chương trình phát triển có trọng tâm, trọng điểm, đóng góp giá trị gia tăng cao vào cơ cấu kinh tế thành phố.
"Các sở, ngành cần tổng hợp lại những chính sách, giải pháp đã triển khai nhằm góp phần mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên từng lĩnh vực phát triển. Các đơn vị chống ngập tích cực triển khai công tác giảm ngập, thực hiện tốt, nạo vét, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Sở Tài Chính tập trung triển khai sắp xếp giao quyền tự chủ xã hội hóa đối với một số lĩnh vực giao cho. Tiếp tục triển khai đề án đô thị thông minh, mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước tại TP Hồ Chí Minh”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị.