Theo đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đã thẳng thắn đề nghị chính quyền phải kiên quyết hơn nữa trong xử lý dự án treo. Cụ thể là cử tri quận Bình Thạnh đã đề nghị "giải treo" dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa trên bán đảo Thanh Đa, bởi dự án này đã treo hơn 20 năm, làm cuộc sống người dân nơi đây trở nên khó khăn. Đây là vùng dân đông, không xa trung tâm TP Hồ Chí Minh nhưng cuộc sống không đạt yêu cầu, mầm bệnh liên tục xảy ra.
“Cuộc sống người dân khó khăn trong suốt một thời gian quá dài. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng tích cực chào mời nhà đầu tư nhưng đến nay dự án vẫn chưa chuyển động. Treo quá lâu rồi, đến nay quá sức chịu đựng của cử tri Bình Thạnh", đại biểu Khuê nói.
Trong phiên thảo luận chiều ngày 11/7 về quản lý hiệu quả và công tác quản lý sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn, nhiều đại biểu đã chia sẻ bức xúc của người dân về các dự án treo nhiều năm. |
Sau khi đi khảo sát tại bán đảo Thanh Đa, đại biểu Khuê cho biết: “Cảm nhận nơi đây giống một vùng đất hoang hóa và đời sống người dân hết sức chật vật, nhà cửa còn tệ hơn khu tạm cư. Tôi gặp một thanh niên năm nay 25 tuổi, thanh niên này nói cuộc sống 25 năm không có gì thay đổi", đại biểu Như Khuê chia sẻ thêm.
Trong khi đó, chia sẻ về tình hình quản lý đất công trên địa bàn, đại biểu Như Khuê cũng cho hay, tài nguyên đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không phải không có nhưng có lúc chính quyền buông lỏng quản lý, vì vậy mới có những dự án nhằm vào những khu dân cư ổn định để thực hiện đền bù, trong khi có những quỹ đất đang để lãng phí không được sử dụng. Ví dụ như có nhiều mặt bằng kho bãi, nhà xưởng thuộc quản lý nhà nước đang bị bỏ hoang, hoặc sử dụng chưa đúng mục đích.
Đồng quan điểm với đại biểu Như Khuê, đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng, công tác thống kê đất công trên địa bàn chưa chặt chẽ và được cập nhật kiểm kê thường xuyên, nhiều địa chỉ đất công không đưa vào danh sách, bị lấn chiếm, tranh chấp, gây khó khăn trong quá trình xử lý. Việc điều chỉnh quy hoạch phân chia ranh, đo vẽ không rõ ràng gây ra tranh chấp đất đai thường xuên.
Đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng, sau khi đi khảo sát, nhiều đơn vị còn cho thuê đất công sai mục đích, sai thẩm quyền |
“Sau khi đi khảo sát, nhiều đơn vị còn cho thuê đất công sai mục đích, sai thẩm quyền, nhiều đơn vị như Văn phòng UBND, phòng Quản lý đô thị, UBND xã vẫn đứng ra ký hợp động cho thuê trong khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, còn có nhiều hợp tác xã nợ tiền thuê đất, không mua được thì xin cho thuê dài hơn gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Có đơn vị còn thuê rồi cho thuê lại hoặc liên doanh, liên kết hợp tác kinh doanh để sử dụng đất công không đúng mục đích cho thuê ban đầu. Hoặc có rất nhiều địa chỉ đắc địa, dự án khai thác 1.700m2 từ năm 2000 nhưng hồ sơ thấy năm 2015 và báo lỗ 30 tỷ đồng, gây thất thoát tiền của nhà nước", đại biểu Thanh Bình cho biết thêm.
Nói về tình trạng quản lý đất đai trên địa bàn, đại biểu Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh, nhận xét trong công tác quản lý, sử dụng và sắp xếp lại; xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn bước đầu đã tạo được sự chuyển biến, phần lớn đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng công năng. UBND TP Hồ Chí Minh cũng xác định một cách có hệ thống tài sản là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án, kế hoạch sắp xếp, xử lý hiệu quả. Qua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất đã thu hơn 9.305 tỷ đồng cho ngân sách TP Hồ Chí Minh, để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn dự án chậm triển khai, quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện. Thậm chí nhiều dự án đã bồi thường 100% diện tích nhưng không triển khai thực hiện và biến thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc xác định giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư có giá rất thấp so với giá giao dịch thực tế trên thị trường.
Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu chia sẻ về tình trạng dự án treo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với người dân ở các khu vực có dự án treo nhiều năm, đặc biệt là dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa trên bán đảo Thanh Đa đã bị "treo" hơn 20 năm.
Tại nghị trường, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, sắp tới các đơn vị liên quan sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này. Hiện nay, chính quyền đã làm việc với chủ đầu tư dự án, nếu chủ đầu tư không thực hiện thì UBND TP Hồ Chí Minh sẽ thu hồi và họ cũng đã cam kết sẽ triển khai nhanh dự án này.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến cho dự án này bị treo nhiều năm là do trước đây dự án thuộc nhà đầu tư liên doanh quản lý giữa một doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhưng sau này doanh nghiệp nước ngoài rút. “Sắp tới UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo nhanh việc này, không thể để kéo dài tình trạng này hơn nữa. Bởi, nếu đặt chúng ta vào hoàn cảnh của người dân ở bán đảo Thanh Đa thì sẽ thấy cuộc sống bị đảo lộn ra sao. Và nếu tình trạng này còn chậm trễ là có trách nhiệm của các cơ quan chức năng”, ông Phong nói.
Dự kiến ngày mai (12/7), kì họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa XI sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ; công tác xóa đói giảm nghèo và chính sách chăm lo cho người có công trên địa bàn.