Trong đó, một giải pháp được đề xuất là giải pháp chính và hai giải pháp tăng cường.
Giải pháp thứ 1 là hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Viettel cung cấp (chỉ sử dụng điện thoại di động thông minh). Đây là giải pháp được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm “cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh”.
Giải pháp thứ 2 là STAYHOME, được Hội Tin học TP Hồ Chí Minh đề xuất. Sản phẩm do Công ty TMA Solutions cung cấp và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cung cấp hỗ trợ hạ tầng. Thiết bị sử dụng gồm điện thoại di động và vòng đeo tay. Vòng đeo tay sẽ có chức năng tăng cường giám sát và đo nhiệt độ. Hội Tin học Thành phố đề nghị hỗ trợ miễn phí 1.000 vòng đeo tay (tương đương 25.000 USD) khi áp dụng giải pháp này.
Giải pháp thứ 3 là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh...) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay có tích hợp SIM điện thoại.
Trong 3 giải pháp trên, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất chọn giải pháp VHD của Viettel là giải pháp chính để triển khai, bởi đây là giải pháp được Bộ Y tế chọn thí điểm. Giải pháp này có ưu điểm là quản lý tổng thể, tích hợp nhiều chức năng khác như khai báo y tế, quản lý nhập cảnh, phản ánh y tế… Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất tăng cường 2 giải pháp của STAYHOME và HCMCovidSafe để nâng cao hiệu quả giám sát cách ly ở những địa phương phù hợp.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thông qua việc thu thập thông tin từ thiết bị điện thoại thông minh và vòng đeo tay của các trường hợp cách ly, người được phân công giám sát có thể giám sát việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của các trường hợp này để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở.
Thời gian triển khai thí điểm dự kiến được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu (tháng 7/2021) sẽ áp dụng tại Quận 7, Quận 12, Gò Vấp, Tân Bình và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2 (trong tháng 8/2021) sẽ triển khai rộng trên tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức.