Tổng lực cứu hộ nạn nhân vụ sập hầm thủy điện

Ngày thứ hai của công tác cứu hộ trong sự cố sập đường hầm dẫn nước tại công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), chính quyền địa phương với sự tham gia, hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, đơn vị đã huy động tổng lực cả về người với hơn 200 thành viên và trang thiết bị máy móc cho mục tiêu cao nhất: thoát nước, thông hầm để đưa 12 công nhân đang bị mắc kẹt bên trong hầm ra ngoài an toàn. Đến tối 17/12, tình hình sức khỏe của các nạn nhân được ghi nhận vẫn ổn định.


Các bộ, ngành phối hợp tham gia cứu hộ


Lực lượng công binh hơn 50 người của Lữ đoàn Công binh 25 - Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng đã có mặt từ sáng sớm 17/12 để tham gia vào đội ngũ cứu hộ của tỉnh, huyện và đơn vị chủ quản công trình. Với kinh nghiệm của mình, các chiến sĩ công binh đã hỗ trợ thiết thực vào việc triển khai công tác cứu hộ như gia cố đường hầm, khoan, đào qua đoạn đường hầm bị sập. Trong điều kiện đường hầm sâu, dài và ngập nước, lực lượng công binh đang phát huy vai trò và làm tốt công việc của mình


Bên trong đường hầm, lực lượng cứu hộ vẫn liên tục đưa thức ăn, đồ uống cho nhóm công nhân bị mắc kẹt . Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN



Trong khi đó, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã cử đoàn lãnh đạo, cán bộ vào Lâm Đồng tham gia xử lý sự cố. Qua thị sát hiện trường và nắm tình hình, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tập trung tất cả cho việc thoát nước ngập trong đường hầm ra ngoài, đảm bảo an toàn cho các nạn nhân, trước khi tiếp tục đào thông hầm để giải cứu nạn nhân. Bộ Xây dựng đã thành lập tổ công tác đặc biệt tại Lâm Đồng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng phụ trách để tham gia xử lý sự cố, giải cứu người bị nạn.


Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để phục vụ công tác cứu hộ, bộ đã cử một đội thuộc Trung tâm cứu hộ mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam từ Quảng Ninh vào hỗ trợ do lực lượng này có kinh nghiệm xử lý các sự cố trong hầm mỏ.


Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến hiện trường vụ tai nạn, kiểm tra công tác cứu hộ của lực lượng y tế. Bộ trưởng cho biết, ngay khi sự cố xảy ra ngành y tế Lâm Đồng đã khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, tập trung mọi nguồn lực, tăng cường trang thiết bị y tế, cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng cho nạn nhân, lập lán trại dã chiến để sẵn sàng cứu chữa ngay hiện trường.


Hiện, Sở Y tế Lâm Đồng đã cử đội ngũ 11 bác sĩ và 21 điều dưỡng, cùng 9 xe cứu thương tham gia cứu hộ. Bộ Y tế cũng đã điều động 2 chuyên gia chống ngạt từ Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) lên để sẵn sàng ứng cứu.


Tập trung thoát nước, đảm bảo an toàn cho các công nhân


12 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm thủy điện đã được xác định danh tính, người lớn nhất 50 tuổi và trẻ nhất mới 20 tuổi, trong đó có một nữ công nhân. Tất cả các nạn nhân đều quê ở các tỉnh phía Bắc, trong đó Nam Định có 4 người, Nghệ An 3 người, Hà Tĩnh 2 người, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, mỗi nơi có 1 người.


Sau gần 13 tiếng đồng hồ bị mắc kẹt do đường hầm bị sập, vào lúc 20 giờ 10 phút tối 16/12, lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với các nạn nhân sau khi khoan thành công qua đống đất đá bị sụp đổ bịt ngang đường hầm. Một ống thông nhỏ được nối qua đoạn hầm bị sập để đưa khí ôxy, nước uống, đường, sữa, nước gừng, cháo, xúc xích vào phía bên trong cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng, chất giữ ấm cho các nạn nhân. Trong ngày 17/12, lực lượng cứu hộ tiếp tục đưa dưỡng khí và nước, cháo… vào trong, tiếp điện để giữ sáng và phục vụ khoan hầm. Thông qua ống thông, các nạn nhân cũng được ghi nhận là sức khỏe ổn định, tỉnh táo, tuy có bị lạnh.


Đã gần hai ngày nhưng công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do đống đất đá, bê tông bị sụp đổ khá lớn, nền đất nơi vị trí sập hầm yếu, hầm bị ngập nước, nên lực lượng cứu hộ phải đưa thêm nhiều giải pháp mới để cứu người. Xác định phải chạy đua với thời gian, lực lượng cứu hộ đã tập trung gia cố đường hầm để tránh bị sập thêm, với 34 m3 gỗ thông đã được đưa vào kè, chống hầm. Tiếp đó sẽ khoan một lỗ thông nhỏ dưới chân đoạn hầm bị sập, đồng thời khoan thêm phía đầu bên kia đường hầm để làm các lối thoát nước, bùn bị ngập bên trong ra ngoài.


Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải dồn lực thoát nước ra ngoài, đảm bảo an toàn cho các nạn nhân trước khi tiếp tục đào thông hầm để cứu người. Đến chiều tối 17/12, thông tin từ lực lượng cứu hộ cho biết mực nước bên trong đoạn hầm có công nhân bị nạn đã lên trên 1m. Do đó, 3 mũi khoan lớn đang hoạt động hết công suất để cố gắng khoan sâu thêm vào bên trong hòng mau chóng thoát nước ra ngoài. Việc khoan hầm được thực hiện từ hai phía, cửa hầm và mặt sau hầm, còn phương án khoan từ đỉnh đồi xuống phải chờ máy khoan lớn hơn từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển lên.


Làm tất cả để cứu người


Trong khi lực lượng cứu hộ đang ráo riết tổ chức các phương án để nhanh chóng thông hầm, giải cứu các nạn nhân đang bị mắc kẹt bên trong thì những thông tin ít ỏi liên lạc được với nhóm công nhân bị nạn cũng cho thấy họ đang bằng nhiều cách khác nhau “chiến đấu” với tình trạng hiện tại, động viên nhau giữ vững tinh thần và sức khỏe. Nỗ lực của lực lượng cứu hộ và của các nạn nhân tiếp tục nhận được sự chia sẻ, chung sức của người dân và nhiều cơ quan, đơn vị trong cả nước. Làm tất cả để cứu người là thông điệp chung được đưa ra trong lúc này.


Trước việc thiếu máy khoan cọc nhồi công suất lớn để khoan xuyên qua lớp đất đá, bê tông của đường hầm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo ngay lập tức cho chuyển máy khoan cọc nhồi của Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), trực thuộc Bộ, tại Thành phố Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng. Ngoài ra, một số máy móc chuyên dụng cho việc đào, khoan hầm bị “vướng” không thể vận chuyển bằng đường hàng không do quy định chung, lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Chính phủ để cho phép vận chuyển trong thời gian sớm nhất, phục vụ việc cứu nạn, cứu hộ.


Cũng trong ngày 17/12, từ Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn 45 cán bộ, chiến sĩ của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đường đến hiện trường tham gia cứu hộ. Nhóm chuyên gia y tế do một Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn đầu cũng được tăng cường cho công trường Đa Dâng-Đa Chomo.


Đêm thứ hai của công tác cứu hộ lại tiếp diễn trong không khí khẩn trương, đầy nỗ lực. Vượt qua cái giá lạnh của miền rừng núi Lạc Dương, các lực lượng chức năng đang từng giờ từng phút làm mọi cách để tiếp cận được với các nạn nhân và đưa họ ra ngoài an toàn. Và tất cả mọi người đều tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến.


Nhóm phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng

Hình ảnh cứu hộ khẩn trương vụ sập hầm thủy điện
Hình ảnh cứu hộ khẩn trương vụ sập hầm thủy điện

Những hình ảnh về tiến trình cứu hộ đang diễn ra tại hiện trường vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng – Đachơmo, Lâm Đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN