Ngày 23/12, Việt Nam ghi nhận 16.377 ca mắc mới
Tính từ 16h ngày 22/12 đến 16h ngày 23/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.377 ca mắc mới, trong đó 10 ca nhập cảnh; 16.367 ca mắc trong nước (giảm 155 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.152 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Định (+196), Hà Nội (+128), Thanh Hóa (+110). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.909 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.604.712 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi về tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân thì nước ta đứng thứ 144/223 (bình quân cứ 1 triệu người có 16.270 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến nay, nước ta có 1.599.150 ca mắc, trong đó có 1.181.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Thành phố Hồ Chí Minh (497.949), Bình Dương (289.731), Đồng Nai (95.993), Tây Ninh (67.772), Long An (39.891).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (địa chỉ cdc. kcb. vn) cho thấy, trong ngày 23/12 đã có 10.944 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca đã được điều trị khỏi lên 1.184.428 trường hợp. Hiện đang có 7.493 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó, 5.204 ca thở oxy qua mặt nạ; 1.248 ca thở oxy dòng cao HFNC; 141 ca thở máy không xâm lấn; 882 ca thở máy xâm lấn; 18 ca sử dụng ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Từ 17h30 ngày 22/12 đến 17h30 ngày 23/12 nước ta ghi nhận 280 ca tử vong. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh có 44 ca, trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến - Tiền Giang (3 ca); Bình Dương, Tây Ninh (2 ca); Cần Thơ, Đồng Nai, Long An (1 ca). Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác như sau: Đồng Nai (38 ca trong 2 ngày); An Giang (28 ca); Bình Dương (17 ca); Đồng Tháp (15 ca); Tây Ninh, Tiền Giang (mỗi tỉnh 14 ca); Long An (13 ca); Cần Thơ (12 ca); Vĩnh Long (11 ca); Bà Rịa - Vũng Tàu (10 ca); Kiên Giang (9 ca); Cà Mau (8 ca); Khánh Hòa, Sóc Trăng (6 ca); Hà Nội, Hậu Giang, Bạc Liêu (mỗi địa phương 5 ca); Bình Thuận (4 ca); Bình Định, Bình Phước (mỗi địa phương 3 ca); Lâm Đồng, Trà Vinh (mỗi địa phương 2 ca); Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Nông (mỗi địa phương 1 ca).
Tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2
Ngày 23/12 Văn phòng Chính phủ đã phát đi hỏa tốc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.
Công điện gửi đồng chí Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, tại nhiều địa phương số ca mắc mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến rất khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19. Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tiêm vaccine tại địa phương khi đã được cung cấp vaccine đầy đủ.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đủ vaccine và phân bổ kịp thời cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương tiệm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.
Các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biển chủng này vào nước ta; thực hiện test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay, cách ly ngay đối với các trường hợp nghi nhiễm; giải trình tự gen để phát hiện chủng Omicron và xử lý triệt để.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu toàn diện về chủng mới Omicron để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Bảo đảm nguồn cung ôxy cho điều trị người bị nhiễm COVID-19
Ngày 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công điện hỏa tốc về việc bảo đảm nguồn cung ô xy cho điều trị người bị nhiễm COVID-19. Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:
Tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt, những ngày gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam gặp khó khăn trong đảm bảo ôxy phục vụ công tác điều trị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, không để tình trạng quá tải y tế trên diện rộng.
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn ô xy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Y tế tư nhân tích cực triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19
Ngày 23/12, Cục quản lý Khám chữa bệnh tổ chức Hội thảo trực tuyến tập huấn về công tác phòng chống dịch COVID-19 cho hệ thống các bệnh viện tư nhân. Đây là lớp tập huấn thứ 4 cho hơn 300 bệnh viện tư nhân trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, qua 4 đợt dịch cho thấy, hệ thống y tế tư nhân đã đóng góp rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch từ cơ sở vật chất đến nhân lực trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, hiện cả nước bước vào giai đoạn chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với quản điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Do đó, các bệnh viện tư nhân phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP, cùng với đó là Quyết định 4800/QĐ-BYT hướng dẫn các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch tại Nghị quyết 128; thực hiện Công điện 1696/QĐ-BYT về đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến để đáp ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Công điện 2146/CĐ-BYT về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.
Hai mục tiêu mà các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, phòng ngừa biến chủng Omicron, thực hiện các giải pháp giảm bệnh nhân nặng và bệnh nhân tử vong, đồng thời tiếp tục tăng cường cải tiến chất lượng điều trị cho các bệnh nhân thông thường như bệnh nhân tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, ung thư…
Theo báo cáo sơ bộ, có trên 80% trên 50 tuổi có bệnh nền tử vong kèm với mắc COVID-19. Đa số các trường hợp diễn biến nặng liên quan đến bệnh lý ung thư, người cao tuổi, người suy giảm hệ thống miễn dịch, người khuyết tật…
Trong giai đoạn không thể đóng cửa tất cả các bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện luôn bình tĩnh, chủ động và có những giải pháp kịp thời. Các bệnh viện tư nhân sẵn sàng cho bệnh viện tách đôi, dự trù thuốc điều trị, ít nhất có 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, đảm bảo công tác hồi sức tích cực. Việc nâng cao năng lực trong chuyên môn và điều hành thông qua các khóa tập huấn sẽ giúp các bệnh viện luôn chủ động và góp phần bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hiện cả nước có hơn 300 bệnh viện tư nhân đã tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch. Đây là bộ phận không thể tách rời trong hệ thống y tế. Việc đào tạo, cập nhật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tư nhân góp phần hướng đến mục tiêu giảm tử vong do COVID-19.
Diễn biến phức tạp, Cà Mau có thêm nhiều xã chuyển sang cấp độ 3
Theo Quyết định số 3727/QĐ-SYT, ngày 22/12/2021 của Sở Y tế tỉnh Cà Mau về việc công bố cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy, toàn tỉnh có 97 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3, có 4 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 2 và không có xã thuộc cấp độ 1.
So với công bố trước đó theo Quyết định 3695/QĐ-SYT (ngày 16/12), tỉnh có thêm 23 xã chuyển từ cấp độ 2 sang cấp độ 3.
Thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện trong cộng đồng tăng cao, có thời điểm vượt mức 1.400 ca/ngày. Thành phố Cà Mau, huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời... là những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng.
Tính đến ngày 22/12, Cà Mau có trên 28.100 ca mắc COVID-19. Tỉnh đang quản lý, cách ly và điều trị cho gần 15.000 ca mắc COVID-19 (điều trị tại nhà có hơn 11.000 ca), 13.255 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 110 người tử vong.
Dự báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng Omicron.
Theo đó, Sở Y tế tranh thủ các nguồn lực, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo đủ thuốc điều trị cho các F0, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp F0 chuyển nặng, tử vong liên quan đến COVID-19; không để tình trạng người dân xét nghiệm test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 mà không được tiếp cận dịch vụ y tế, không được cấp thuốc, quản lý theo dõi sức khỏe...
Ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không bỏ sót người thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, kể cả mũi tiêm bổ sung và nhắc lại.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn luôn bám sát địa bàn, nắm rõ các trường hợp có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19 như người lớn tuổi, người có bệnh nền..., để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao phải tư bảo vệ bản thân, gia đình mình và có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng theo phương châm ‘‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’’.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương tăng cường tổ chức quản lý, điều trị F0 tại nhà và tại cơ sở y tế nhằm hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; đồng thời tiến hành rà soát, đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân đủ tuổi tiêm, đảm bảo 100% người từ 12 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 trước ngày 31/12/2021 và chuẩn bị kế hoạch tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine